Giá trị lòng yêu nước, tinh thần độc lập tự do dân tộc được khởi nguồn từ sự khai sinh nhà nước Văn Lang của các Vua Hùng đã được các thế hệ người Việt gìn giữ, tiếp nối như thế nào, thưa ông?
Lòng yêu nước và tinh thần độc lập, tự do dân tộc được khởi nguồn từ thời các Vua Hùng và liên tục được phát huy trong quá trình đấu tranh giành, giữ độc lập dân tộc của cha ông ta. Ngay từ cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng đánh đuổi quân xâm lược nhà Hán và giành độc lập tự chủ cho nhân dân Việt Nam, chúng ta đã thấy trong lời thề của Hai Bà Trưng là: “Một xin rửa hận nước thù/Hai xin dựng lại nghiệp xưa họ Hùng/Ba kẻo oan ức lòng chồng/Bốn xin vẹn vẹn sở công lênh này”. Có thể thấy, tinh thần yêu nước, tinh thần đấu tranh giành độc lập tự do của cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng đã lấy truyền thống từ “họ Hùng” ra làm tiên phong.
Cuối năm 1788, trên đường kéo quân ra Bắc đánh giặc Thanh, vua Quang Trung đã làm lễ thệ sư ở Thọ Hạc (Thanh Hóa), ngay câu đầu lời thệ của nhà vua đã nói: “Đánh cho để dài tóc/ Đánh cho để đen răng”. Người Việt cổ có tục để tóc dài, búi tó sau gáy và ăn trầu, nhuộm răng đen. Tập tục này chính là nét văn hóa đặc trưng để phân biệt người phương Nam với người phương Bắc và tồn tại đến tận thế kỷ XX mới bị mai một. Vua Quang Trung đã lấy tinh thần, ý chí từ văn hóa Hùng Vương để làm động lực kháng chiến chống ngoại xâm ở thế kỷ XVIII. Đặc biêt, Vua Quang Trung đã lấy việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc làm tiên phong cho mục tiêu đánh đuổi giặc ngoại xâm.
Trống đồng Đông Sơn - Một trong những biểu tượng đỉnh cao của nền văn hoá Hùng Vương
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945 – 1954), Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta cũng đặt truyền thống yêu nước từ thời Hùng Vương lên hàng đầu để lãnh đạo nhân dân chống giặc. Ngày 19/9/1954, tại đền Giếng ở chân núi Hùng Lĩnh, trong cuộc nói chuyện với Đại đoàn quân Tiên Phong về tiếp quản Thủ đô, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có câu nói bất hủ: “Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.
Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, giới Sử học, Khảo cổ học miền Bắc đã liên tiếp tổ chức 4 cuộc hội thảo khoa học lớn với tên Hùng Vương dựng nước vào những năm 1968, 1969, 1970, 1971. Những cuộc hội thảo này đã đạt được thành tựu lớn trong nghiên cứu thời đại Hùng Vương, phục vụ cho khoa học và cho chiến đấu chống quân xâm lược. Như PGS.TS. Trần Đức Cường (Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam) đã nói rằng: “Chúng ta đã rước Hùng Vương đi đánh giặc Mỹ”.
Tinh thần yêu nước, tinh thần độc lập tự do dân tộc là sợi chỉ đỏ xuyên suốt quá trình hình thành, tồn tại và phát triển của dân tộc Việt Nam từ thời Hùng Vương đến ngày nay. Tinh thần yêu nước luôn được phát huy cao độ mỗi khi đất nước có ngoại xâm. Trong đời sống thường ngày, tinh thần yêu nước là trung tâm tập hợp, cố kết cộng đồng, quốc gia dân tộc và là động lực tinh thần cho ý chí phấn đấu, vươn lên phát triển “sánh vai với các cường quốc năm châu” của người Việt.
Xin ông cho biết tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là một biểu tượng văn hóa có sức lan tỏa bền vững trong cộng đồng người Việt như thế nào?
Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương có sự lan tỏa rộng rãi, ăn sâu vào tiềm thức người Việt ở mọi nơi. Theo tổng hợp của ngành di sản văn hóa, tính đến năm 2019 có tới 1.417 di tích liên quan tín ngưỡng thờ cúng Vua Hùng hoặc các anh hùng văn hóa thời đại Hùng Vương nằm rải rác trên đất ta. Ngoài ban thờ chính tại Đền Hùng ở tỉnh Phú Thọ, có tới 17 tỉnh, thành phố có nơi thờ vọng Vua Hùng như: Hà Nội, Nam Định, Nghệ An, Thừa Thiên-Huế, Đồng Nai, Tây Ninh, Khánh Hòa, Cần Thơ... Cùng với việc lập đền thờ, việc lấy tên Hùng Vương, An Dương Vương, Lạc Long Quân, Âu Cơ, Văn Lang… đặt cho trường học, các con đường, bệnh viện để liên tưởng và tưởng nhớ thời đại Hùng Vương dựng nước và giữ nước cũng xuất hiện ở nhiều thành phố, thị xã, thị trấn trên cả nước.
Báu vật Quốc gia tượng Mẫu Âu Cơ đang được thờ tại Đền Mẫu Âu Cơ, xã Hiền Lương, huyện Hạ Hòa.
Cách đây 30 năm, kiều bào người Việt ở nước Mỹ đã hành hương về đất Tổ xin 18 chân nhang, 18 nắm đất, 18 bình nước từ đền Hùng mang sang Mỹ để thờ cúng, tưởng nhớ cội nguồn. Ở nhiều nước như Lào, Pháp, Srilanca... kiều bào cũng đã lập ban thờ Hùng Vương và tổ chức Quốc giỗ trong ngày mùng 10/ 3 âm lịch hàng năm.
Thờ cúng các Vua Hùng đã trở thành một biểu tượng văn hóa tín ngưỡng kết nối quá khứ - hiện tại. Vậy biểu tượng này có ý nghĩa như thế nào trong việc kết nối tình cảm gia đình, làng xã và dân tộc, thưa ông?
UNESCO công nhận tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, từ đó đã khẳng định những giá trị và vai trò của tín ngưỡng này. Ý nghĩa của tín ngưỡng thờ cúng Quốc tổ Hùng Vương trong đời sống của người dân Việt Nam được thể hiện qua sự đồng tâm, đồng thuận của vợ chồng, để xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc; phát huy các đức tính cao quý của con người, đó là: Hiếu thảo, lòng tự trọng, sống tình nghĩa, thủy chung, ý chí vượt lên khó khăn trong xây dựng cuộc sống mà các truyền thuyết từ thời các Vua Hùng gửi thông điệp; phát huy tình thương yêu thương giữa những người cùng huyết thống, giúp đỡ nhau trong phát triển kinh tế, góp phần bảo đảm an ninh xã hội.
Tín ngưỡng văn hóa Hùng Vương còn được thể hiện qua sự gắn kết, hòa thuận giữa hàng xóm láng giềng, từ đó tạo ra sự ổn định xã hội; tinh thần gắn bó chính quyền - nhân dân, làng - nước, từ đó khắc phục sự quan liêu, vô cảm, xa dân của đội ngũ cán bộ; tránh xung đột làng- nước ban hành và thực thi các chính sách.
Xin cảm ơn ông!
Video khai mạc Lễ hội Đền Hùng và Tuần Văn hóa-Du lịch Đất Tổ 2023