Triết gia La mã Marcus Tullius Cicero đã từng nói: "Lòng biết ơn không chỉ là đức tính vĩ đại nhất mà còn là khởi nguồn của mọi đức tính tốt đẹp khác".
Lý do để bồi dưỡng lòng biết ơn
Từ khi được sinh ra, sống cuộc sống của mình và đến lúc chết đi, cuộc đời mỗi người không phải là đều tự do tự tại thật sự, chỉ là đôi khi chúng ta chìm đắm trong những ảo tưởng rằng chúng ta không có món nợ nào với đời sống này, thậm chí chúng ta có thể phủ nhận cả lòng biết ơn.
Nếu suy ngẫm một chút, chúng ta sẽ thấy cần biết ơn vì bất cứ điều gì cuộc sống đã ban tặng hơn là bi quan vì những gì không đạt được. Tuy vậy, nhiều người hoài nghi về điều này, có lẽ họ chỉ thật sự trân trọng sức khỏe thể chất và tinh thần của mình khi chúng có nguy cơ bị “xâm phạm”.
Chúng ta cần biết rằng một trong những tính cách quan trọng nhất của con người chính là lòng biết ơn. Đơn giản vì, chúng ta cần biết ơn những gì mình được kế tục trong nhiều khía cạnh như tình yêu, ngôn ngữ hay văn hóa. Từ những bài học về lịch sử, truyền thống, đức tin, tín ngưỡng... chúng ta xây dựng được nền tảng giá trị đạo đức, giúp bản thân nhận ra ý nghĩa và mục đích chân chính trong cuộc sống của mình.
Do đó, thật dễ dàng nhận ra rằng, chúng ta không thể tìm kiếm, kiểm soát hay đạt được những tri thức tinh hoa văn hóa nếu chỉ dựa vào khả năng của bản thân. Lòng biết ơn giúp chúng ta dẹp bỏ tính tự cao tự đại, và phát huy tinh thần ham học hỏi trong sự khiêm nhường.
Lợi ích của lòng biết ơn
Từ lâu, các bậc phụ huynh, giáo viên, cũng như những nhà tâm linh thuộc mọi nền văn hóa truyền thống đã nhấn mạnh lợi ích của lòng biết ơn đối với hạnh phúc con người, đồng thời tuyên bố rằng chúng ta có thể nuôi dưỡng và thực hành thói quen này ở mọi lứa tuổi.
Ngoài ra, việc duy trì lòng biết ơn còn giúp ích trong việc phát triển các đức tính như kiên nhẫn, khiêm tốn, tự chủ... tăng cường tâm trạng tích cực, thúc đẩy khả năng phục hồi sức khỏe thể chất, ít gây ra cảm giác mệt mỏi và cải thiện giấc ngủ tốt hơn.
Ngoài việc mang lại lợi ích cho các cá nhân, thực hành lòng biết ơn còn giúp cải thiện lợi ích nhóm, đem đến sự hài lòng trong công việc, củng cố các mối quan hệ và khuyến khích những hành vi tốt đẹp như cư xử tử tế, biết quan tâm, giúp đỡ và cho đi.
Hơn nữa, một số nghiên cứu khác nhấn mạnh rằng các tôn giáo trên khắp thế giới đều xem lòng biết ơn là nền tảng của việc hướng tới đời sống tinh thần và tâm linh cao thượng hơn, nâng cao giá trị đạo đức chân chính cho nhân loại.
Tiến sĩ David Rosmarin của Trường Y Harvard đã tiến hành một nghiên cứu sâu sắc về tính tích cực của lòng biết ơn hướng về Đức Chúa Trời. Dựa trên những bằng chứng được cung cấp bởi các bác sĩ lâm sàng, nhóm nghiên cứu của ông đã đưa ra một hướng dẫn thực tế về việc kết hợp tâm linh, tôn giáo và liệu pháp hành vi, nhận thức. Từ đó nhận thấy rằng lòng tôn kính Chúa Trời là nhân tố quan trọng trong việc duy trì đạo đức con người, giúp giảm bớt lo âu, trầm cảm và gia tăng cảm giác hạnh phúc.
Lòng biết ơn là thứ văn hóa tinh thần tốt đẹp nhất
Thực hành thói quen biết ơn không chỉ đơn giản là ở lời nói, mà đó thật sự là một thách thức đối với những người trẻ. Họ cần phải học cách tôn trọng tất cả các nền văn hóa, các tín ngưỡng tôn giáo khác nhau trên thế giới, trong khi biết tự hào, bảo tồn đức tin, tín ngưỡng của bản thân và di sản văn hóa của dân tộc mình.
Mặc khác, nếu chúng ta không chú trọng bồi đắp, nuôi dưỡng tình yêu quê hương, đất nước ngay từ trong gia đình, trường học, thế hệ con em chúng ta sẽ rất khó cảm nhận được lòng biết ơn về những tinh hoa văn hóa mà các thế hệ trước đã xây dựng, đồng thời có xu hướng đánh giá thấp những giá trị truyền thống được truyền lại.
Có một thực trạng rằng, nhiều sinh viên ở một số nơi trên thế giới thay vì học hỏi những điểm tích cực về truyền thống gia đình, văn hóa, lịch sử của dân tộc, họ lại mang định kiến rằng toàn bộ lịch sử đất nước ngay từ lúc bắt đầu đã là thứ hạ cấp, kém văn minh, và những người lãnh đạo thì tàn bạo, những chính sách cai trị trong quá khứ phần lớn đều yếu kém và xấu xa.
Do đó, một khi cái gốc của văn hóa bị lung lay, sẽ ngày càng có nhiều người trẻ mất đi cơ hội kế thừa và phát huy các giá trị đạo đức cao đẹp. Họ dần đánh mất tinh thần biết ơn những cơ hội họ có được, đánh mất thái độ tốt đẹp trong việc vận dụng những kiến thức, trí tuệ và kỹ năng của mình để giúp ích cho cộng đồng; họ tiếp cận học vấn và truy tầm những cơ hội… không gì ngoài mục đích tìm kiếm danh vọng và lợi ích cho bản thân. Từ đó, nhiều người cho rằng mình vượt trội và xứng đáng hơn những người khác, họ đánh mất sự khiêm nhường.
Tuy nhiên, điều này có thể khiến bạn thất vọng một khi những kỳ vọng của bạn không được đáp ứng, đồng thời khiến chúng ta hình thành một loại tâm lý mang tính tiêu cực đối với bản thân và xã hội. Một số nghiên cứu cho thấy trạng thái tâm lý này đã “tăng tần số” qua các thiên niên kỷ, trở thành một hiện tượng văn hóa, thể hiện trong nhiều khía cạnh của cuộc sống.
Truy cầu danh vọng là nguyên nhân gây ra những ảo tưởng và phá hoại, nó đánh lạc hướng thực tế, làm lệch lạc nhận thức của chúng ta về vị trí của con người trong thế giới và vũ trụ. Một khi “chấp nhận” để cho những đặc điểm tiêu cực như giận dữ, oán giận, tự cao, vô ơn… phát triển và khống chế, chúng ta đã thật sự bắt đầu “tụt dốc” về mặt đạo đức.
Ngày nay, khi hội chứng lo lắng, trầm cảm và tự tử gia tăng nhanh chóng phi thường, đặc biệt là ở trẻ em và thanh thiếu niên, chúng ta nên chú trọng hơn nữa đến việc tự mình tu dưỡng lòng biết ơn, cũng như giáo dục cho thế hệ tương lai đức tính đáng quý này. Đó cũng là nền tảng phát triển cho mọi cá nhân, gia đình và xã hội.