Vu Lan - Tình người trong đại dịch
Mùa Vu Lan lại đến cũng là lúc mà Đất nước Việt Nam ta và toàn thể thế giới đang phải gồng mình vật lộn chống chọi với đại dịch Covid 19. Ở nước ta đây là làn sóng thứ tư, biến chủng Delta có tốc độ lây lan rất nhanh, đã lan rộng ra nhiều địa phương với quy mô lớn nhất từ trước tới nay và tiếp tục diễn biến khó lường. Đặc biệt dịch đã ngấm sâu vào trong cộng đồng ở nhiều khu vực tại HCM và các tỉnh thành phía Nam. Covid 19 là một đại dịch thách thức chưa từng có trong lịch sử, bùng phát mạnh, lây lan nhanh làm gia tăng tử vong ở nhiều nước. Đại dịch Covid 19 đã cướp đi mạng sống của biết bao người, bao gia đình phải sống trong hoàn cảnh chia ly.
Con người Việt Nam vốn giàu lòng nhân ái, thương người như thể thương thân. Với tinh thần “Chống dịch như chống giặc” và trong “tâm bão” của dịch thì khắp mọi nơi trên vùng miền của Đất nước đã lan toả được rất nhiều những hành động cao đẹp của từng cá nhân trong cộng đồng, trợ giúp những người cần trợ giúp.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính “Tất cả vì TP HCM” dành những gì tốt nhất cho thành phố chống dịch.
Với tình yêu thương “Bầu ơi thương lấy bí cùng, tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn” cả nước gửi trọn tình yêu thương hướng về miền Nam thân yêu. Gần chục ngàn y bác sỹ, điều dưỡng từ Hà Nội và khắp các địa phương trong cả nước đã chi viện cho Miền Nam. Rất nhiều cán bộ y tế đã xông pha nơi tuyến đầu. Vì người bệnh, vì cộng đồng, họ đã để lại con thơ, cha mẹ già ở nơi quê nhà lên đường đi chống dịch. Với tinh thần xung kích nhiệt huyết, những người “chiến sỹ áo trắng” đang ngày đêm âm thầm nơi tuyến đầu chống dịch từng phút, từng giây giành giật mạng sống cho người bệnh. Họ đã vượt lên tất cả để thực hiện nhiệm vụ đặc biệt, đóng góp tích cực vào công tác ngăn ngừa và chống dịch. Có những người trong số họ nghe tin người thân mất cũng không thể về đưa tiễn người thân đến nơi an nghỉ cuối cùng. Có người còn nhường cả suất cơm của mình cho bệnh nhân đang bị đói lả vì họ nhập viện khi đã quá giờ cơm trưa. Nhiều người trong số họ tuổi đời còn rất trẻ nhưng họ đã không quản ngại nắng mưa vất vả, ngày đêm tận tuỵ trực tiếp đương đầu với hiểm nguy, hết lòng hết sức vì người bệnh.
Đã có rất nhiều những câu chuyện cảm động về những người y bác sỹ nơi tuyến đầu chống dịch. Bác sỹ Nguyễn Đình Hoàng (BV Hùng Vương- Phú Thọ) tạm chia tay người vợ mới đăng ký kết hôn lên đường chi viện cho TP HCM với lời hẹn “Hết dịch anh về sẽ tặng em chiếc áo cô dâu”. Vợ chồng bác sỹ Nguyễn Thị Giang- Đỗ Ngọc Anh (BV Kiến An- Hải Phòng) dù 2 con còn rất nhỏ họ vẫn xung phong lên đường chi viện cho thành phố HCM “bằng lương tâm của người thầy thuốc, chúng tôi mong muốn được cùng các đồng nghiệp chung tay đẩy lùi dịch Covid 19” Cảm động thay khi đọc dòng tin nhắn giữa hai vợ chồng bác sỹ trẻ (BV Việt Đức- HN) “giành nhau” đi TP HCM chống dịch. Mặc dù, con còn nhỏ họ ý thức được nguy cơ lây nhiễm vi rút SARS- Covy 2 rất cao.Bác sỹ Trần Thanh Linh (BV Chợ Rẫy TP HCM) vừa trở về từ khu công nghiệp Bắc Giang chưa kịp nghỉ ngơi lại bắt tay ngay vào cứu chữa cho bệnh nhân tại Bệnh viện hồi sức Covid 19
Hay những chiến sỹ bộ đội biên phòng nơi tuyến đầu biên giới căng mình bảo vệ tổ quốc. Lực lượng công an dân quân thầm lặng cống hiến, căng mình đứng trực kiểm tra xuyên đêm tất cả các cửa ngõ ra vào của thành phố hay các cửa khẩu khu vực biên giới. Nơi tuyến đầu biên giới, các chiến sỹ phải xa gia đình vợ con, ngày đêm túc trực bên các chốt, lán trại, đội nắng dầm mưa kiểm soát giúp đồng bào chống dịch. Thắm đượm tình quân dân như cá với nước, ở nơi tuyến đầu biên giới các đồng chí luôn nhận được sự động viên về cả vật chất lẫn tinh thần của các cấp uỷ, ban ngành, chính quyền, đoàn thể và nhân dân.
Tại các chốt vùng xanh, những cụ già cựu chiến binh, dân phòng, thanh niên tình nguyện , tổ dân phố đã không quản ngại vất vả sớm khuya, nhiệt tình cùng với công an tham gia vào đội ngũ chống dịch. Thời chiến các cụ đã xông pha nơi tuyến lửa, nay thời bình khi Tổ quốc cần sức già mà các cụ vẫn xông pha. Đó là những tấm gương cho thế hệ trẻ chúng ta noi theo. Trong đợt ủng hộ quỹ Vacxin Covid 19 vừa qua cũng đã có rất nhiều cháu bé mang cả lợn tiết kiệm hay tiền mừng tuổi của mình ra để ủng hộ vào quỹ Vacxin. Đó là một hình ảnh rất đẹp, thế hệ mầm non tương lai của đất nước, ít tuổi mà đã biết giúp đỡ mọi người. Ngay trong lớp phật học trực tuyến cũng có phật tử Đào Thị Phương Lan ở Sở Y Tế Thái Nguyên cũng xung phong dấn thân vào nơi tuyến đầu chống dịch. Khi chia tay các thầy và cả lớp trước khi cùng đoàn lên đường vào miền Nam làm nhiệm vụ. Câu nói: “Bao giờ hết dịch con mới về” đã làm biết bao người ở lại phải nghẹn ngào, xúc động. Vâng, chúng con mong ngày chiến thắng đại dịch được đón đoàn quân thắng trận trở về và đạo hữu quay về học cùng với lớp. Và từ tâm dịch khi biết lớp phát động, kêu gọi ủng hộ “hạt gạo nghĩa tình” cho những người dân có hoàn cảnh khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch tại Hà Nội và TP HCM, đạo hữu Lan cũng gửi tiền về quyên góp ủng hộ. Thật là một nghĩa cử cao đẹp của người chiến sĩ Phật tử nơi tuyến đầu chống dịch.
Mới đây ngày 06/08 đã có hơn 100 y bác sỹ của Học viện Quây Y đã rời thủ đô lên đường vào miền Nam chống dịch, phát huy truyền thống quyết chiến, quyết thắng của quân đội anh hùng, với tinh thần tất cả vì miền Nam ruột thịt. Trước diễn biến của dịch bệnh vô cùng phức tạp, hơn lúc nào hết mỗi người dân chúng ta phải nêu cao tinh thần tự giác, đoàn kết, chấp hành nghiêm chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, chỉ thị 17/CT của UBND thành phố Hà Nội, 5K của Bộ Y Tế. Kiên định lòng tin nơi chính pháp, tăng trưởng niềm tin vào Tam Bảo. Tin tưởng vào mọi biện pháp chỉ đạo của Chính phủ, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước. Có như vậy thì chúng ta mới có thể kiểm soát, khống chế được và dịch bệnh nhanh chóng được tiêu trừ. Mọi người dân mới có thể quay lại cuộc sống bình thường.
Với tinh thần tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách , lá rách ít đùm lá rách nhiều, một miếng khi đói bằng một gói khi no, người có công góp công, người có của góp của. Những chuyến xe không đồng, chuyến xe yêu thương, chuyến xe tình nghĩa đã đều đặn hằng ngày lăn bánh trên những con phố, chở sự yêu thương, san sẻ những tình cảm đến với những hộ nghèo khó khăn, neo đơn rồi những sạp rau không đồng, ATM gạo, tủ lạnh cộng đồng ra đời nhằm kịp thời hỗ trợ những người dân có hoàn cảnh khó khăn. Những chuyến xe chở hàng tấn lương thực, thực phẩm hỗ trợ cho người dân trong các khu vực cách ly.
Ngày 25/07 vừa qua, trong cuộc họp tại Quốc Hội thảo luận về tình hình kinh tế xã hội Hoà thượng Thích Bảo Nghiêm- Phó chủ tịch Hội đồng trị sự GHPGVN đã phát biểu tại buổi họp: “Hơn hai ngàn năm qua, Phật giáo là một tôn giáo luôn đồng hành cùng Dân tộc. Khi Đất nước có giặc ngoại xâm, Tăng Ni cởi cà sa khoác chiến bào đánh đuổi quân xâm lăng. Khi có thiên tai, Tăng Ni Phật tử khắp mọi miền đã đi đến những nơi bị ảnh hưởng để hỗ trợ cho người dân vượt qua khó khăn sớm ổn định cuộc sống. Thời dịch bệnh, Tăng Ni cởi cà sa mặc áo blouse xông pha vào nơi tuyến đầu chống dịch bất kể nguy nan. Chỉ tính đến ngày 20/07 đã có 612 tình nguyện viên Phật giáo trong đó có 59 Tăng Ni và 553 Phật tử đăng ký chăm sóc bệnh nhân F0 tại bệnh viện dã chiến. Nhiều ngôi chùa đã xung phong trở thành Bệnh viện dã chiến. Những chiếc máy thở, những phòng thiết bị âm, những trang thiết bị y tế cần thiết đã được Giáo hội Phật giáo trao tặng thông qua TW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Thậm chí ngay cả khi người dân đang bị cách ly, thực hiện do sự chỉ đạo của Hoà Thượng Chủ tịch Hội đồng trị sự GHPGVN ngoài việc hỗ trợ bằng tiền mặt, rất nhiều ngôi chùa đã chuyển hàng trăm tấn rau củ quả và nhu yếu phẩm để chuyển vào những vùng tâm dịch. Ngoài ra, TW Giáo hội và Ban trị sự GHPG các tỉnh thành cùng tín đồ Phật tử đã đóng góp hàng trăm tỷ đồng vào quỹ phòng chống dịch Covid 19. Đặc biệt, ngày 19/07 Hoà thượng Chủ tịch Hội đồng trị sự Giáo hội đã ban hành công văn số 183 kêu gọi Tăng Ni Phật tử cả nước cấm túc ở yên một chỗ, tụng kinh cầu nguyện đẩy lùi dịch bệnh Covid 19. Trong đó có đoạn viết: “Đúng 6h sáng ngày 27/07/2021 các chùa, cơ sở, tự viện trong cả nước đồng loạt cử 3 hồi chuông trống bát nhã tưởng niệm anh linh các anh hùng liệt sỹ nhân kỷ niệm 74 năm ngày thương binh liệt sỹ. Đồng thời, đồng loạt trì tụng Kinh Dược Sư cầu nguyện đẩy lùi dịch bệnh Covid 19, cuộc sống sớm trở lại bình thường, mọi sự an lành cho nhân dân và Đất nước. Qua đó, tôi thấy cần phải nhấn mạnh đến bài học kinh nghiệm từ niềm tin và tình người. Đây không chỉ là truyền thống mà còn là bản lĩnh của người Việt Nam. Càng khó khăn mà biết chăm lo thúc đẩy thì càng là động lực giúp chúng ta vượt qua khó khăn, vững bước trên con đường đã chọn”
Trong kinh Hoa Nghiêm Đức Phật dạy rằng: “Tín là nguồn đạo, mẹ công đức nuôi lớn tất cả các phép lành, đoạn trừ lưới nghi, ra khỏi vòng ái, mở bầy đạo vô thượng Niết bàn”. Lòng tin rất quan trọng, đức tin sẽ tạo ra sức mạnh giúp chúng ra khởi nguồn những năng lượng phong phú và ẩn sâu nhất trong mỗi con người. Niềm tin thuận theo tự tính của mình, tính đó là giác mà không mê, chính mà không tà, tịnh mà không nhiễm. Đức tin trong đạo Phật là niềm tin dựa trên cơ sở của sự hiểu biết và tin theo với lý trí xét đoán chứ không phải là tin theo một cách mù quáng, mê tín, dị đoan. Đạo Phật là đạo Từ Bi và Trí Tuệ. Tinh thần của đạo Phật là vô ngã và vị tha. Giáo pháp của Đức Phật có khả năng đưa đến kết quả tức thời cho những ai thực hiện ngay trong đời sống hiện tại, Pháp có tác dụng phát triển cả Tâm và Tuệ. Pháp là con đường hành trì, con đường diệt khổ, con đường chuyển hoá, có khả năng hướng thượng. Tính chân lý của Pháp không hạn cuộc quá khứ, hiện tại và tương lai, không có thời gian, siêu việt thời gian. Pháp để thực hành tu tập, chứng ngộ và giải thoát, tất cả chỉ vì một mục đích đem lại hạnh phúc an lạc, giải thoát cho tất cả những ai học pháp, hành pháp và an trú trong pháp.
Nhân kỷ niệm 74 năm ngày thương binh liệt sỹ, theo lời kêu gọi của Đức Hoà thượng Thích Thiện Nhơn- Chủ tịch Hội đồng trị sự GHPGVN. Đúng 6h ngày 27/07/2021 tất cả các chùa, cơ sở, tự viện trong cả nước đồng loạt cử 3 hồi chuông trống bát nhã, thực hiện nghi thức cầu siêu cho các anh linh anh hùng liệt sỹ đã hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc. Tiếp đến là trì tụng Kinh Dược Sư cầu nguyện cho Đất nước thái bình, nhân dân an lạc và dịch bệnh Covid 19 mau chóng tiêu trừ. Đại lễ trực tuyến được tổ chức qua kênh trực tuyến của Phật sự online với quy mô toàn quốc tạo nên sự kiện linh thiêng chưa từng có từ trước tới nay. Số Tăng Ni Phật tử đăng ký lên đến hơn 150 ngàn người, con số thực tế còn nhiều hơn như thế rất nhiều. Điều này cho thấy, từ bao giờ Phật giáo đã hoà vào Dân tộc Việt Nam. Tình đạo pháp, tình Dân tộc hoà vào nhau như nước hoà với sữa, tạo nên một đời sống tâm linh sâu sắc, văn hoá tình người. Phật giáo và Dân tộc tuy hai mà một không thể tách rời.
“Mái chùa che chở hồn Dân tộc
Nếp sống muôn đời của Tổ tông”
Phật giáo từ thời kỳ phong kiến đến nay, khi Đất nước có giặc ngoại xâm thì chùa là nơi nuôi dấu Cách mạng, có nhiều cơ sở tự viện là nơi nuôi trẻ có hoàn cảnh khó khăn, ngôi chùa là nơi trường học tình thương xoá mù chữ. Trong đại dịch đã có rất nhiều Tăng Ni Phật tử xông pha nơi tuyến đầu chống dịch. Thực hiện lời kêu gọi của Đức Hoà thượng Chủ tịch Hội đồng trị sự GHPGVN, nhiều ngôi chùa đã dùng làm Bệnh viện dã chiến hay khu cách ly như chùa Phổ Quang, Việt Nam- Quốc tự tại TP HCM, chùa Keo ở Thái Bình. Chùa Vĩnh Nghiêm, Chùa Giác Ngộ hằng ngày mỗi chùa đã nấu hàng chục nghìn suất ăn để gửi tới các khu cách ly, cũng như bà con gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch. Đến nay đã có hơn 1.000 tấn lương thực thực phẩm đã được gửi vào tâm dịch và người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn. Hằng ngày, đều có các chuyến xe vận chuyển rau củ quả vào tâm dịch ở TP HCM và một số tỉnh thành khác. Tu viện Khánh An cùng với Phật tử trong và ngoài nước đã vận chuyển 170 tấn gạo , 10 nghìn thùng mỳ, 20 tấn rau củ quả tới những vùng khó khăn của TP HCM và những khu vực cách ly. Những hoạt động đầy ý nghĩa nhằm chia sẻ hạnh phúc, lan toả tình yêu thương để không ai bị bỏ lại phía sau trong cuộc chiến chống đại dịch Covid 19, đã thắp nên ngọn lửa niềm tin và sức mạnh đại đoàn kết Dân tộc, chung sức đồng lòng cùng nhau vượt qua khó khăn thử thách để chúng ta sớm kiểm soát, khống chế chiến thắng được đại dịch.
Trước tình hình diễn biến nguy hiểm của dịch bệnh, một lần nữa Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng lại ra lời kêu gọi hiệu triệu toàn Dân tộc “muôn người như một người”. “Đã cố gắng càng cố gắng hơn nữa, đã đoàn kết càng đoàn kết hơn nữa, đã quyết tâm càng quyết tâm cao hơn nữa”. “Nhất định sẽ chiến thắng và phải chiến thắng cho bằng được”.
Lời kêu gọi của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chạm đến trái tim mỗi người, đã thổi bùng ý chí, niềm tin và quyết tâm, tiếp thêm sức mạnh cũng như ý thức trách nhiệm cao cho cả hệ thống chính trị, của cấp uỷ Đảng, chính quyền, đoàn thể và đồng bào chiến sỹ cả nước. Hiệu triệu toàn dân và toàn quân ta đoàn kết một lòng thực hiện cho bằng được mục tiêu đã đặt ra, quyết tâm bảo vệ bằng được sự an toàn cho Thủ đô, trái tim của cả nước. Đồng thời đặt tính mạng và sức khoẻ của người dân lên trên hết.
Bộ trưởng y tế Nguyễn Thanh Long cũng đề nghị các địa phương tích cực khẩn trương triển khai đồng bộ và quyết liệt các giải pháp phòng chống dịch, đặc biệt các địa phương có nhiều ca mắc thực hiện nghiêm chỉ thị 16, tuyệt đối không “Chặt ngoài, lỏng trong” chỉ thực hiện “Chặt ngoài, chặt trong” mới có thể giảm số ca mắc, nếu không thì sẽ rất khó khăn.
Với tinh thần tương thân tương ái, chia sẻ giúp đỡ những người dân có hoàn cảnh khó khăn và hàng trăm sinh viên đang bị mắc kẹt tại các khu ký túc xá trên toàn địa bàn Hà Nội. Chiều ngày 1/8 siêu thị 0 đồng chính thức được mở cửa tại UBND phường Đức Thắng, Bắc Từ Liêm, HN. Siêu thị này không mua bán bằng tiền mà trao tặng yêu thương hỗ trợ người dân vượt qua khó khăn “Siêu thị mini không đồng- HN trái tim hồng” do 3 đơn vị đồng tổ chức là Thành đoàn- Hội sinh viên Việt Nam TP HN, CLB doanh nhân Sao Đỏ và Cty CP vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) phối hợp với Hội doanh nghiệp trẻ HN và Hiệp hội nữ doanh nhân Hà Nội. Chương trình được bảo trợ bởi Sở Công Thương TP HN. Số lượng hàng hoá lên đến hơn 8 tỷ và sẽ phát phiếu cho 20.000 hộ dân khó khăn. Đối với người dân đang cách ly tại khu cách ly y tế phong toả không ra ngoài được, thì những chuyến xe yêu thương của BTC sẽ mang hàng hoá chuyển đến tận nơi với tiêu chí: “Không ai bị bỏ lại phía sau, đồng lòng cùng nhau vượt qua đại dịch”.
Ngang qua ánh sáng duyên khởi, nhân loại dần nhận ra rằng sự sống của con người không tách rời sự sống muôn loài, từ chim muông thú rừng cho đến cỏ cây hoa lá. Môi trường có sự tương tác kỳ diệu với con người. Môi trường tốt dẫn đến cuộc sống của con người tốt. Sông ngòi, biển cả, núi rừng, cây cối, chim muông thú rừng được bảo vệ thì cuộc sống con người sẽ đảm bảo có sức khoẻ sống trường thọ, ít tai ương. Môi trường bị tàn phá, động vật bị sát hại thì con người sẽ rơi vào khủng hoảng, khó khăn. Và dịch bệnh Covid 19 đang diễn ra đã là một minh chứng cho điều ấy. Đó là hệ quả tất yếu của sự tàn phá môi trường, sát hại muôn thú do chính con người tạo nên mà nhân loại đang phải đối mặt. Với những khủng hoảng vô cùng nghiêm trọng của dịch bệnh, về môi trường, về biến đổi khí hậu và xung đột khắp nơi trên Thế giới. Hơn bao giờ hết, chúng ta cần đón nhận năng lượng niềm tin nơi kho tàng giáo pháp vi diệu của Đức Phật. Khi đó, chúng ta mới có thể vượt qua những thách thức khủng hoảng này. Đại dịch Covid 19 đã khiến cả Thế giới nhận ra rằng chúng ta cần sát cánh bên nhau và cùng nhau hành động vì mục tiêu và lợi ích chung.
Phát huy khí phách hào hùng của các thế hệ đi trước, của cha ông ta trong suốt chiều dài lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước. Một khi Đất nước bị lâm nguy thì tinh thần đoàn kết Dân tộc, tinh thần yêu nước lại trỗi dậy mạnh hơn bao giờ hết. Người xưa có câu:
“Một cây làm chẳng nên non
Ba cây chụm lại nên hòn núi cao”
Vậy chỉ có sức mạnh đại đoàn kết Dân tộc của toàn Đảng,toàn quân và toàn dân, muôn người như một, niềm tin cùng với tình người, tinh thần tương thân tương ái giúp đỡ nhau, sự nỗ lực quyết tâm của tất cả mọi người thì chúng ta mới vượt qua được giai đoạn khó khăn này và chiến thắng được đại dịch:
Sự vật vần xoay đã định sẵn
Hết mưa là nắng hửng lên thôi
Người cùng vạn vật đều phơi phới
Hết khổ lại vui vốn lẽ đời
Người xưa có câu “Uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ kẻ trồng cây” Mùa Vu Lan cũng là mùa để mỗi người chúng ta tỏ lòng thành kính tri ân, biết ơn sâu sắc đối với sự cống hiến của các thế hệ cha ông đi trước, các bậc thánh nhân, những vị lãnh tụ và những anh hùng liệt sỹ đã không tiếc xương máu của mình ngã xuống vì nền độc lập tự do của Đất nước. Những thương binh, bệnh binh đã đóng góp một phần xương máu của mình cho Đất nước. Những bà mẹ Việt Nam anh hùng. Nhà đại văn hào người Nga Macsim Goodki đã nói:
“Đời không ánh sáng hoa nào nở
Dạ vắng yêu thương cảnh những sầu
Đời thiếu mẹ hiền không phụ nữ
Anh hùng thi sĩ hỏi còn đâu”
Ân nghĩa là một truyền thống luân lý đạo đức từ ngàn xưa đến nay. Bất cứ một Dân tộc nào hay một Đất nước nào cũng đều lấy ân nghĩa làm đầu. Vậy là người con Phật chúng ta không thể nào quên được điều này.
Nếu tất cả mọi người chúng ta từ lớn đến bé, từ già đến trẻ, từ gái đến trai, ai ai cũng đều sống thiện sống tốt, người người sống thiện sống tốt, nhà nhà sống thiện sống tốt, cả xã hội sống thiện sống tốt, thì non nước Việt Nam ta sẽ mãi mãi trong thanh binh. Nhân dân có được một cuộc sống ấm no và hạnh phúc.
Nếu tất cả các nước trên Thế giới đều sống thiện sống tốt, thì Ta Bà thế giới sẽ trở thành Cực lạc ngay giữa lòng nhân gian này.
Mùa Vu Lan là mùa báo hiếu là mùa hiếu hạnh của người con Phật. Với truyền thống của người Việt Nam hiếu thảo là một điều rất thiêng liêng và cao cả. Ai biết hiếu thảo với cha mẹ thì mới có thể là người tốt trong xã hội. Cho nên, hiếu thảo là một nền tảng đạo đức rất cần thiết. Bất luận đạo đức nào Đông hay Tây, xưa hay nay đều lấy chữ ‘Hiếu” làm đầu. Bởi vậy, người xưa có câu: “Ngàn quyển kinh, vạn quyển sách đều lấy chữ hiếu làm đầu”.
Đức Phật cũng dạy: “Phụ mẫu tại đường như Phật tại thế” Tâm hiếu là tâm Phật, hạnh hiếu là hạnh Phật. Trong muôn nết thì nết hiếu đứng đầu. Trăm hạnh thì hạnh hiếu cũng đứng trước tiên. Tội ác lớn nhất của đời người là bất hiếu. Công hạnh lớn nhất của đời người cũng là chữ hiếu.
Lòng biết ơn và thành kính tri ân của chúng ta đối với cha mẹ ông bà, cửu huyền thất tổ, tổ tiên nhiều đời nhiều kiếp trong những ngày này, là một giá trị tinh thần cao quý và hết sức tích cực trong xã hội ngày nay:
Công cha như núi thái sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra
Một lòng thờ mẹ kính cha
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con
Mùa Vu Lan chính là mùa mà mỗi người con Phật chúng ta tỏ lòng thành kính tri ân và biết ơn đối với cha mẹ đấng sinh thành.
Ta đem sự hiếu kính Phật, hiếu kính cha mẹ phát triển rộng ra cho đến hiếu kính tất cả chúng sinh muôn loài. Vì tất cả chúng sinh trong lục đạo đều từng là cha mẹ nhiều đời nhiều kiếp của ta. Ta hãy tận dụng tháng Vu Lan để thực hành tình yêu thương, tỏ lòng thành kính biết ơn vô hạn của ta đối với cha mẹ đấng sinh thành, ông bà, cửu huyền thất tổ, tổ tiên nhiều đời nhiều kiếp. rộng hơn nữa là tới hết thảy mọi người, mọi loài, hết thảy mọi hữu tình và cả môi trường tự nhiên nữa, không chỉ hôm nay, ngày mai mà mãi mãi về sau.
Chúng ta nên noi theo gương của ngài Đại Hiếu Mục Kiền Liên mà báo hiếu thì chắc chắn cha mẹ hiện tại và bảy đời trước đều được giải thoát ngạ quỷ u đồ và được hưởng an vui giải thoát. Chúng ta nhờ sức chú nguyện của Tăng Ni, nếu cha mẹ ta có bị sa vào đường khổ thì nhờ phúc đức này mà được thoát khỏi. Còn nếu cha mẹ ta không đi trong đường khổ thì nhờ phúc đức này mà tăng trưởng thiện căn. Và cha mẹ hiện tiền cũng nhờ đó mà tăng trưởng tuổi thọ và phát tâm bồ đề. Đó là ý nghĩa báo hiểu của người con Phật.
Ngoài ra, bản thân chúng ta cũng phải thực hành nhiều việc thiện bố thí cúng dường, chia sẻ giúp đỡ những người nghèo khó, phóng sinh, tụng kinh, trì chú, niệm phật để đem công đức này hồi hướng cho khắp pháp giới chúng sinh, cho cha mẹ, ông bà tổ tiên hiện tại cũng như cha mẹ nhiều kiếp trong quá khứ thoát khỏi cảnh khổ, sinh vào cảnh giới an lành.
Với lòng từ bi thương yêu mọi người và tất cả chúng sinh muôn loài, những người Thầy đã hy sinh hạnh phúc riêng của cả cuộc đời mình, trên mong cầu Phật đạo dưới cứu độ chúng sinh. Thời dịch bệnh, người thì xông pha nơi tuyến đầu chống dịch, người thì ở lại hậu phương thầm lặng ngày đêm tụng kinh, niệm Phật và hướng dẫn Tăng Ni Phật tử tu học để hồi hướng cho quốc thái dân an, dịch bệnh nhanh chóng được tiêu trừ, nhà nhà được an cư lạc nghiệp. Những người Thầy trong Ban hoằng pháp, Ban giảng sư đã luôn tận tâm tận lực với công việc hoằng pháp , xả thân vì pháp, tất cả vì chúng sinh mà cứu độ, nhằm đem lại cuộc sống an vui hạnh phúc cho tất cả mọi người. Phật sự đa đoan chúng sinh cang cường nhưng các Thầy đã không quản ngại vất vả khó khăn trên bước đường hoằng pháp lợi sanh. Thầy là ánh đuốc soi đường cho chúng con trong bóng tối vô minh. Giữa giông tố của cuộc đời Thầy là người lái đò vững tay chèo lái con thuyền Phật giáo đưa chúng sinh qua bến bờ giải thoát. Giữa biển tối mênh mông, Thầy là ngọn hải đăng soi đường cho chúng con đi. Giữa dòng trôi chảy không ngừng của thời gian các Quý Thầy, những người lái đò thầm lặng vẫn miệt mài đưa bao lữ khách sang sông quay về bến giác:
Thầy trải lòng từ ấp ủ con
Tình sâu như biển nghĩa dường non
Lời khuyên thấm não mưa từng giọt
Ngọc kết châu tràng đậm nét son
Mùa Vu Lan về, cũng là dịp mà người con Phật chúng ta tỏ lòng thành kính, tri ân và biết ơn vô hạn đối với các quý Thầy. Đối với các bậc tu hành chân chính, những bậc thiện tri thức, những bậc minh sư thì chúng ta nên tôn kính, cúng dường, kính trọng , ngợi khen, tán thán và hộ trì. Hộ trì Tam Bảo, hộ trì chính pháp.
Thực hiện theo sự chỉ dạy của Đức Hòa thượng Chủ tịch Hội đồng trị sự GHPGVN, từ 27/7/2021 đến hết 22/8/2021, hàng ngày vào lúc 9 giờ sang tụng Kinh Dược Sư trực tuyến. Và từ ngày 1/7 đến ngày 30/7 năm Tân Sửu vào lúc 7 giờ tối tụng kinh Vu Lan báo hiếu trực tuyến, đã có hơn chục ngàn Tăng Ni Phật tử tham gia mỗi ngày để tạo ra năng lượng tích cực cầu nguyện cho nhân dân và Đất nước, dịch bệnh mau chóng được tiêu trừ, cầu siêu cho cha mẹ, ông bà, tổ tiên hiện tại và quá vãng. Chương trình đã được sự tham gia của tất cả các chùa, cơ sở, tự viện và các Phật tử trên cả nước đã tạo ra một sự kiện văn hóa tâm linh lớn nhất chưa từng có từ trước tới nay. Trước tình hình dịch bệnh đang diễn ra hết sức phức tạp nhất là khu vực phía Nam, thực hiện tinh thần chỉ đạo của Hội đồng trị sự và Ban hoằng pháp TW GHPGVN về việc tổ chức Đại lễ Vu Lan trực tuyến, nhằm giúp chư tôn đức Tăng Ni và quý Phật tử tăng trưởng công đức trong mùa Vu Lan, hồi hướng công đức cho cha mẹ hiện tiền và cha mẹ quá vãng, cầu nguyện đại dịch Covid 19 sớm được đẩy lùi, cầu nguyện quốc thái dân an, thế giới hoà bình chúng sinh an lạc. Ban hoằng pháp GHPGVN Thành phố Hà Nội phối hợp với phân Ban đào tạo Giảng sư khu vực phía Bắc và kênh Phật sự onine TV tổ chức khoá tu báo hiếu 1 ngày (Từ 8h đến 21h10 ngày 19/08/2021- tức ngày 12 tháng 7 năm Tân Sửu với chủ đề: “Vu lan- Tình người trong đại dịch” cho chư tôn đức Tăng Ni và quý Phật tử.
Là người con Phật, chúng ta hãy lan toả tinh thần này đến với tất cả các Phật tử và những người yêu mến đạo Phật trên khắp mọi vùng miền của Đất nước để buổi lễ Vu Lan Báo Hiếu được thành công tốt đẹp.
Với tinh thần đoàn kết tương thân tương ái, chia sẻ giúp đỡ, một miếng khi đói bằng một gói khi no, thương người như thể thương thân của người con Phật. Ban chủ nhiệm lớp, ban cán sự lớp Phật học trực tuyến đã phát động Phật tử trong toàn thể lớp Phật học trực tuyến ủng hộ “hạt gạo nghĩa tình” giúp đỡ những người dân có hoàn cảnh khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid 19 tại Hà Nội và TP HCM. Khi chương trình vừa được phát động thì những người Thầy của chúng ta đã tiên phong đi trước, tiếp đến là rất nhiều Phật tử trong lớp đã chuyển tiền ủng hộ đến quỹ tổ và quỹ lớp. Là người con Phật chúng ta hãy cùng chung tay đóng góp và lan toả tinh thần này đến với người thân, gia đình, bạn bè và xã hội để góp phần nhỏ bé xoa dịu nỗi khó khăn của những người dân trong những ngày giãn cách xã hội tại Hà Nội và TP HCM trong thời gian này do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid 19.
Hằng ngày, chứng kiến cảnh chết chóc khắp nơi trên Thế giới và ở nước ta khi đại dịch hoành hành. Ta nhận ra rằng cuộc sống con người thật mong manh vô thường, chỉ một niệm hít vào mà không thở ra là ta không còn hiện hữu trên thế gian này nữa và bỏ lại tất cả. Chỉ có một thứ duy nhất mà ta có thể mang đi theo là những kiến thức sự hiểu biết và những việc lành dữ mà ta đã làm, nó sẽ theo nghiệp dẫn dắt chúng ta đến đời sau. Qua đó, để ta trân trọng những giây phút hiện tại của cuộc sống, sống lợi mình lợi người và gìn giữ cho ta, cho cả mọi người xung quanh ta. Khi còn trong vòng luân hồi sinh tử, chúng ta cần phải nỗ lực tinh tấn tu học để được an trụ vững bền trong chính pháp, phước tuệ song tu, những việc phước thiện là những gì mà chúng ta có thể làm để trợ duyên cho chúng ta trên con đường tu học và trợ duyên cho chúng ta bớt khổ đau. Qua đó, ta hồi hướng cho cha mẹ, người thân, ông bà tổ tiên của ta trong kiếp hiện tiền và vô lượng kiếp trong quá khứ nhân mùa Vu lan hiếu hạnh.
Con xin hồi hướng công đức này cho khắp pháp giới chúng sinh. Cầu mong đại dịch Covid 19 mau chóng được tiêu trừ.
Cầu mong cho Quốc thái dân an, Thế giới hoà bình, chúng sinh an lạc. Cầu mong cho tất cả các chiến sỹ nơi tuyến đầu chống dịch và tất cả mọi người đang ngày đêm nỗ lực phòng chống Covid 19 từ TW cho đến tất cả các địa phương trên cả nước được mạnh khoẻ, bình an và có nghị lực để vượt qua được các khó khăn, trở ngại.
Chúng con xin kính chúc các Quý Thầy thân tâm an lạc, pháp thể khinh an, tuệ đăng thường chiếu. chúng sinh dị độ, Phật đạo viên thành, thuận duyên trên con đường hoằng pháp lợi sanh, để Phật giáo mãi mãi trường tồn nơi thế gian này. Các Thầy mãi là ngọn đuốc soi đường cho tất cả chúng con nương theo trên con đường tu học giác ngộ và giải thoát
Kính chúc quý Phật tử và tất cả mọi người được bình an trong mùa dịch, tinh tấn tu học và được an lành trong ánh từ quang của Chư Phật.
Nam mô Đại Hiếu Mục Kiền Liên Bồ Tát!
Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!
Phật tử: Dương Thị Thuý Vân - Pháp danh: Diệu Tường