MÙA VU LAN LẠI VỀ
Công cha như núi Thái Sơn.
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.
Một lòng thờ mẹ kính cha.
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con.
Ngày lễ Vu Lan cũng là ngày gợi lại lòng hiếu thảo của người con Phật đối với cha mẹ đấng sinh thành.
Tất cả chúng ta được hiện hữu ở cuộc đời này là nhờ vào tinh cha, huyết mẹ, sự bao bọc chở che và nuôi nấng cho ta nên người. Ngôi trường đầu tiên cho chúng ta học ăn, học hát, học đi, học đứng, học biết yêu thương cũng chính ở lớp học đầu đời từ gia đình. Mà ở đó cha mẹ chính là thầy giáo và cô giáo đầu tiên hết lòng dạy dỗ cho ta thành người. Thuở ấu thơ ta lớn lên trong lời ru ngọt ngào, vòng tay yêu thương của mẹ, sự ân cần dạy dỗ của cha. Công ơn của cha mẹ thật quá lớn lao cao tựa như núi Thái Sơn. Nghĩa tình của mẹ như nước trong nguồn chảy ra không bao giờ cạn kiệt, mẹ thì 9 tháng cưu mang, ba năm bú mớm nhọc nhằn vất vả, suốt cuộc đời mẹ chỉ biết hy sinh cho con, lo cho từng bữa ăn từng giấc ngủ của con, khi đang ăn cũng như khi đang ngủ hễ con cần là mẹ đến liền ngay. Khi con đau ốm, bệnh tật mẹ ngồi bên cạnh năm canh thao thức lo lắng cho con, đến khi con khỏi mẹ mới yên lòng. Vì con mẹ quên hết mọi khổ sở, đớn đau, vất vả sớm khuya, dãi nắng dầm mưa. Gặp cảnh nghèo khó thì cha mẹ phải làm thuê, ở mướn, mua tảo bán tần, đổ mồ hôi để lấy bát cơm manh áo cho con, mẹ dành chỗ khô ráo cho con nằm.
Nuôi con chẳng quản chi thân
Bên ướt mẹ nằm, bên ráo con lăn.
Công cha nghĩa mẹ rất cao và không có gì so sánh được. Ân tình của cha mẹ đối với ta không biết bao nhiêu mà kể. Cha mẹ đã vì niềm vui của chúng ta, vì ước mơ, vì tương lai sự nghiệp của chúng ta mà không ngại gian khổ, hy sinh, vất vả sớm hôm để mang lại nụ cười, niềm vui hạnh phúc cho chúng ta:
Công cha nghĩa mẹ cao vời
Nhọc nhằn chẳng quản suốt đời vì ta
Nên người ta phải xót xa
Đáp đền nghĩa nặng như là trời cao
Trên thế gian này, chúng ta có thể đi đến nhiều nơi và nhìn thấy nhiều cảnh vật hùng vĩ, đẹp đẽ và lãng mạn nhưng cũng không thể bằng được ngôi nhà xưa, nơi ấy chúng ta đã mở mắt chào đời bên cha và mẹ. Nơi đó có tiếng nói, nụ cười và những kỷ niệm êm đềm đẹp đẽ nhất của tuổi ấu thơ.
Cha mẹ chính là bảo vật vô giá và thiêng liêng nhất, không có gì trên cuộc đời này có thể thay thế được.
Với truyền thống người Việt Nam ta, hiếu thảo là một điều rất thiêng liêng, rất cao cả. Ai biết hiếu thảo với cha mẹ thì mới có thể là một con người tốt ở trong xã hội. Cho nên hiếu thảo là một nền tảng đạo đức rất cần thiết. Thuở xưa ông cha ta đã từng răn dạy những điều đó. Bất luận đạo đức nào, đông hay tây, xưa hay nay đều lấy chữ "Hiếu" làm đầu. Bởi vậy người xưa có câu: "Thiên kinh vạn quyển, Hiếu nghĩa vi tiên" (nghĩa là ngàn quyển kinh, vạn quyển sách, đều lấy chữ hiếu làm đầu). Đức Phật cũng dạy: "Phụ mẫu tại đường như Phật tại thế". Ngài lại dậy thêm: "Hiếu vi vạn hạnh chi tiên" (nghĩa là hiếu thảo đứng đầu trong mọi việc)
Vậy khi cha và mẹ đang còn ở bên ta thì với tình yêu thương từ tận đáy lòng hãy tận hiếu cho cha và mẹ. Hãy xem mỗi ngày là một mùa Vu Lan ý nghĩa nhất để đền đáp ân đức với người.
Vậy ngoài việc chăm lo cho cha mẹ cung phụng về vật chất ra thì chúng ta cần đem những lời dạy của Đức Phật hướng dần cho cha mẹ ta tu hành, để được sinh vào cảnh giới lành không còn phải chịu nỗi cùng cực trong luân hồi lục đạo, đó mới là giúp đỡ hiếu dưỡng với cha mẹ thật sự. Làm cách này ta mới có thể cứu vớt giúp đỡ, báo ân cho cha mẹ hiện tại và lại còn đền đáp báo ân Tam Bảo, cứu độ được cha mẹ ta trong nhiều đời nhiều kiếp. Đó mới là báo hiếu chân chính là bậc đại hiếu, vì nếu ta chỉ mang tiền ra thuê người chăm sóc cha mẹ ta thì đó chỉ là tiểu hiếu. Hoặc ta tự mình bỏ tiền bạc vật chất ra và tự thân chăm sóc cha mẹ ta thì đó mới chỉ là trung hiếu. Vì nếu cha mẹ ta không biết đến đạo, không tu nhân giải thoát, không làm những việc thiện lành thì ta chỉ có thể cứu giúp được cha mẹ ta đời hiện tại mà ta không thể cứu giúp được cha mẹ ta ở các đời về sau.
Theo tinh thần Đạo Phật, chúng ta không chỉ có mặt ở một đời này mà còn có mặt ở vô số kiếp về trước và về sau nữa, nên mất thân này sẽ mang thân khác. Do đó, nếu thân này không không làm thiện lành thì e đời sau sẽ bị đọa vào những đường khổ. Bởi vậy, ta phải thức tỉnh cha mẹ hướng về con đường thiện lành. Ta khuyên cha mẹ tin sâu nhân quả, quy y Tam Bảo bố thí cúng dường, phóng sinh, niệm Phật, làm các việc lành, hành trì giữ giới và tu nhân giải thoát. Ngoài việc báo hiếu về vật chất ra thì ta cần phải báo hiếu về mặt tinh thần để làm sao cho tinh thần của cha mẹ ta được nhẹ nhàng, cao thượng và đi dần đến chỗ giải thoát. Ta làm sao vừa lo cho cha mẹ hiện tại được ấm no, mà tương lai sau khi bỏ thân này cũng sẽ được hạnh phúc an vui trong những đời sau.
Theo tinh thần kinh Vu Lan, ngày rằm tháng bảy chính là ngày tôn giả Mục Kiền Liên tìm thấy mẹ đang sinh trong kiếp ngã quỷ khổ đau, mà tự bản thân ngài không cứu được. Ngài mới nhờ Đức Phật chỉ dạy phương pháp cứu độ mẹ.
Nhân đó Phật dạy muốn cứu mẹ thoát khỏi tai ách, phải nên cúng dường chư Tăng. Nhờ lực gia trì của Chư Tăng phụ giúp cho mẹ ngài chuyển đổi tâm ác, tránh khỏi kiếp ngạ quỷ.
Ngày rằm tháng bảy là ngày Tự Tứ của Tăng chúng. Đức Phật dạy chúng ta nên cúng dường Chư Tăng, nhờ Chư Tăng phụ lực mà thân mẫu trong nhiều đời được siêu thăng. Nên ngày nay còn gọi là ngày Vu Lan báo hiếu.
Trong mùa Vu Lan, mỗi phật tử chúng ta nhớ lại công ơn cha mẹ sinh thành nuôi dưỡng cực khổ. Cho nên chúng ta nhờ sức chú nguyện của tăng ni, nếu cha mẹ có bị sa vào đường khổ thì nhờ phúc đức này mà được thoát khỏi. Còn nếu cha mẹ không đi trong đường khổ thì nhờ phúc đức này mà tăng trưởng thiện căn. Cha mẹ hiện tiền nhờ đó mà tăng trưởng tuổi thọ và phát bồ đề tâm. Đó là ý nghĩa báo hiếu của người con Phật.
Vu Lan Bồn là một phương pháp báo hiếu có hiệu quả nhất. Vậy chúng ta nên noi theo gương của ngài Đại hiếu Mục Kiền Liên mà báo hiếu, thì chắc chắn cha mẹ hiện tại và bảy đời trước đều được giải thoát ngạ quỷ u đồ, và được hưởng an vui, giải thoát.
Ta đem sự hiếu kính Phật, hiếu kính cha mẹ phát triển rộng ra cho đến hiếu kính tất cả chúng sinh, vì tất cả chúng sinh trong lục đạo đều từng là cha mẹ, quyến thuộc của chúng ta trong nhiều đời nhiều kiếp. Ta hãy tận dụng tháng Vu Lan để thực hành tình yêu thương, tỏ lòng thành kính, tri ân, biết ơn vô hạn của ta đối với cha mẹ đấng sinh thành, ông bà, tổ tiên, rộng hơn nữa là tới hết thẩy mọi người, mọi loài và cả môi trường tự nhiên nữa. Ta hãy đem tình yêu thương đến với hết thảy hữu tình, không chỉ hôm nay, ngày mai mà mãi mãi về sau.
Những ai đang còn cha còn mẹ, chúng ta hãy trân trọng những gì chúng ta đang có. Vì biết bao nhiêu những mảnh đời bất hạnh, khi sinh ra mở mắt chào đời đã không có một ngày được sống trong tình yêu thương và bàn tay chăm sóc của mẹ. Nhiều đứa trẻ mồ côi cả cha và mẹ sống trong cảnh màn trời chiếu đất, tự mình lăn lộn với cuộc sống mưu sinh. Rồi có những đứa trẻ được sống trong tình yêu thương của mẹ nhưng lại vắng bóng sự chăm sóc ân cần của cha. Rồi lại có những đứa trẻ được sống trong sự trở che của cha nhưng lại thiếu sự yêu thương của mẹ. Hoặc có những người đến khi khôn lớn trưởng thành muốn mong được đền đáp công ơn nuôi dưỡng sinh thành thì cha và mẹ đã về với tiên tổ.
Chúng ta thật hạnh phúc khi còn cha và mẹ. Chúng ta hãy cố gắng làm tròn chữ hiếu để cho những năm tháng cuối đời của cha mẹ ta được an vui hạnh phúc:
Mẹ già như chuối chín cây
Gió lay mẹ rụng con phải mồ côi
Mồ côi tội lắm ai ơi
Đói cơm khát nước biết người nào lo.
Trong đạo Phật thường nhắc nhở, trong năm tội thì tội bất hiếu với cha mẹ là đầu. Vậy bất hiếu, vong ân bội nghĩa với cha mẹ thì không thể nào là một người tốt trong xã hội được.
Lòng biết ơn và thành kính tri ân đối với cha mẹ, ông bà tổ tiên nhiều đời của chúng ta trong những ngày này là một giá trị tinh thần cao quý và hết sức tích cực trong xã hội ngày nay.
Đại lão Hòa thượng Đệ tam Pháp Chủ GHPGVN Thích Phổ Tuệ cũng đã nhiều lần căn dặn Phật tử chúng ta là cần phải biết hiếu kính, tri ân và biết ơn cha mẹ, ông bà, tổ tiên. Đặc biệt vấn đề thờ cúng tổ tiên là rất quan trọng.
Ngày Vu Lan cũng còn là ngày xá tội vong nhân. Đó là ngày tha thứ cho mọi lỗi lầm, ngày mà mọi người đều ăn năn, xin cải đổi sám hối, mong các vị lớn tha thứ cho. Nhờ ý nghĩa tha thứ những lỗi lầm đó, nên cũng chính là ngày mà Chư Tăng thành tâm cầu nguyện cho các vong nhân được thoát khỏi những kiếp khổ đau.
Ngày lễ Vu Lan rằm tháng bảy cũng là ngày Tự tứ của Chúng Tăng. Ngày này Chư Phật rất vui, vì thấy chúng đệ tử có tâm hồn phục thiện, cải hối những lỗi lầm. Ngày mà Chư Tăng sau 3 tháng an cư kiết hạ tinh tấn tu tập, vân tập về các trụ xứ để nghe những bậc Trưởng thượng chỉ dạy những lỗi lầm cho mình. Do đó cũng là ngày mà Chư Phật hoan hỷ. Ngày đó các Chư Tăng được thêm một tuổi hạ, đây là ngày vui, ngày Tết ở trong Đạo.
Là người con Phật, chúng ta cần thành kính tri ân và biết ơn các Quý Thầy. Những người Thầy trong Ban Hoằng pháp, Ban Giảng sư đã hy sinh hạnh phúc riêng tư của cả cuộc đời mình, tận tâm tận lực với công việc Hoằng Pháp, xả thân vì Pháp, tất cả vì chúng sinh mà cứu độ nhằm đem lại cuộc sống an vui hạnh phúc, cho tất cả mọi người. Phật sự đa đoan, chúng sinh cang cường, nhưng các Thầy đã không quản ngại khó khăn vất vả và điều kiện sức khỏe trên bước đường Hoằng Pháp lợi sanh. Thầy là ánh từ quang, là ánh đuốc soi đường cho chúng con trong bóng tối vô minh. Giữa giông tố của cuộc đời, Thầy là người lái đò vững tay chèo lái con thuyền Phật giáo đưa chúng sanh qua bến bờ giải thoát. Giữa dòng trôi chảy không ngừng của thời gian, các Quý Thầy, những người lái đò thầm lặng vẫn miệt mài đưa bao lữ khách sang sông quay về bến giác:
Tri thức một đời Thầy dạy dỗ
Ân tình muôn thuở con khắc ghi.
Đối với các bậc tu hành chân chính, những bậc minh sư, chúng ta cần nên cung kính, cúng dường, kính trọng, ngợi khen tán thán và hộ trì.
Mùa Vu Lan đang đến gần cũng là lúc mà đất nước Việt Nam ta và toàn thế giới đang oằn mình để chống chọi với đại dịch COVID-19. Suốt từ tháng 12 năm 2019 đến nay, đại dịch COVID-19 đã làm cho loài người phải điêu đứng, bao gia đình phải sống trong cảnh chia ly, cướp đi mạng sống của biết bao nhiêu con người. Ngay từ thời kỳ bắt đầu của đại dịch mới xuất hiện ở trên thế giới và Việt Nam, Nhà Nước ta đã ra lời kêu gọi “chống dịch như chống giặc”. Hơn lúc nào hết, mỗi người dân chúng ta cần phải có tinh thần tự giác, đoàn kết, nghiêm túc thực hiện mọi chỉ thị 15, 16, 17 của Thủ tướng Chính phủ. Tăng trưởng niềm tin vào Tam Bảo. Tin tưởng vào mọi biện pháp chỉ đạo của Chính phủ. Phát huy khí phách hào hùng của các thế hệ đi trước, của cha ông ta trong suốt chiều dài lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước. Một khi Đất nước bị lâm nguy thì tinh thần đoàn kết dân tộc, tinh thần yêu nước đó nó lại trỗi dậy mạnh hơn bao giờ hết. Và thời kỳ nào mà Phật Pháp hưng thịnh thì thời kỳ đó Đất nước thái bình, dân chúng có được một cuộc sống ấm no hạnh phúc. Và giờ đây, Phật pháp vẫn luôn đồng hành cùng dân tộc. "Khi Đất nước có giặc ngoại xâm, Tăng Ni cởi cà sa mặc áo bào cùng đánh đuổi quân xâm lăng. Khi Đất nước xảy ra thiên tai thì Tăng Ni Phật tử trên khắp mọi miền của Đất nước tới những nơi bị ảnh hưởng hỗ trợ người dân. Thời dịch bệnh, Tăng Ni cởi cà sa khoác áo BLOUSE cùng xông pha nơi tuyến đầu chống dịch". Đứng trước tình hình diễn biến rất phức tạp của dịch bệnh, Hòa thượng Thích Thiện Nhơn - Chủ tịch hội đồng trị sự GHPGVN đã ra lời kêu gọi đến ban trị sự GHPGVN các tỉnh thành phố trong cả nước chỉ đạo Tăng Ni Phật tử trong cả nước đúng 6 giờ ngày 27/7/2021 cấm túc, ở yên một chỗ đồng loạt trì tụng Kinh Dược Sư để cùng tạo ra năng lượng tích cực tưởng niệm anh linh các anh hùng liệt sĩ nhân kỷ niệm 74 năm ngày thương binh liệt sĩ và cầu nguyện đẩy lùi dịch bệnh COVID – 19 để cuộc sống sớm trở lại bình thường, mọi sự an lành cho nhân dân và Đất nước. Và Trưởng lão Hòa thượng Tôn sư Thích Trí Quảng Phó pháp chủ kiêm Giám luật Hội đồng Chứng minh cũng ra lời kêu gọi để Tăng Ni, và tất cả Phật tử Đạo tràng Pháp Hoa Miền Bắc cùng tham gia vào buổi lễ tụng kinh vào 6h sáng ngày 27/7/2021 tới đây.
Mỗi người con Phật chúng ta hay cùng nhau lan tỏa tinh thần này đến với tất cả Phật tử và những người yêu mến đạo Phật trên khắp mọi vùng miền của Đất nước.
Cầu mong cho quốc thái, dân an, thế giới hòa bình, chúng sinh an lạc. Cầu mong cho các chiến sĩ nơi tuyến đầu và mọi người đang ngày đêm nỗ lực phòng chống dịch COVID – 19 ở khắp các địa phương trong cả nước được mạnh khỏe, bình an và có nghị lực để vượt qua mọi khó khăn, trở ngại.
Chúng con xin kính chúc các Quý Thầy thân tâm an lạc, pháp thể kinh an, chúng sinh dị độ, Phật đạo viên thành, thuận duyên trên con đường Hoằng pháp lợi sanh, để Phật giáo mãi mãi được trường tồn nơi thế gian này. Các Thầy mãi là cây cao bóng cả cho tất cả chúng con nương theo trên con đường tu học giác ngộ và giải thoát!
Kính chúc các quý vị Phật tử và tất cả mọi người được bình an trong mùa dịch, tinh tấn tu học và được an lành trong ánh từ quang của Chư Phật!
Nam mô Thường Tinh Tiến Bồ Tát Ma Ha Tát!
Phật tử: Dương Thị Thúy Vân - Pháp danh: Diệu Tường