Đức Pháp Chủ GHPGVN Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Quảng
Về phía TƯGH chứng minh tham dự có Đức Pháp Chủ GHPGVN Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Quảng; Đại lão HT. Châu Ty – Phó Pháp chủ GHPGVN; chư Tôn giáo phẩm thành viên HĐCM GHPGVN; HT. Thích Thanh Nhiễu – Phó Chủ tịch Thường trực HĐTS; TT. Thích Đức Thiện – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký HĐTS; Chư Tôn giáo phẩm Phó Chủ tịch HĐTS: HT. Đào Như; HT. Thích Thiện Tâm; HT. Sok Xane; TT. Thích Thanh Phong; chư Tôn đức Ban Thường trực HĐTS, Văn Phòng II TƯGH và Ban Trị sự Phật giáo TP. Cần Thơ. Ban Trị sự, Hội Đoàn kết Sư sãi yêu nước, chư Tăng Phật giáo Nam tông Khmer, Hệ phái Khất sĩ, Hệ phái Nam Tông kinh các tỉnh thành Nam Bộ.
Chư Tăng đến từ các nước Châu Á và Đông Nam Á
Đặc biệt có sự tham dự của Chư Tăng Phật giáo Quốc tế đến từ các nước: Thailand, Cambodia, Myanmar, Laos, India, Bangladesh, Nepal, Sri Lanka….
Nghi thức dâng hương bạch Phật trước khi vào buổi lễ
Về phía chính quyền có sự tham dự của ông: Lê Quang Mạnh – UVTƯ Đảng, Bí thư Thành uỷ, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP. Cần Thơ; ông Lê Minh Khánh – Vụ trưởng Vụ Phật giáo Ban Tôn giáo Chính Phủ; Thiếu tướng Võ Hùng Minh – Phó Cục trưởng Cục An ninh Nội địa (Bộ Công an); Ông Nguyễn Thành Đông – Thành uỷ viên, Phó Chủ tịch HĐND TP. Cần Thơ; Ông Nguyễn Thực Hiện – Thành uỷ viên, Phó Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ cùng lãnh đạo các đơn vị, địa phương trong thành phố tham dự.
HT. Đào Như – Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Trị sự PG TP. Cần Thơ, Hiệu trưởng Học viện Phật giáo Nam Tông Khmer đọc diễn văn khai mạc
Tại lễ Khai mạc, HT. Đào Như – Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Trị sự PG TP. Cần Thơ, Hiệu trưởng Học viện Phật giáo Nam Tông Khmer đã báo cáo sơ bộ quá trình hình thành và xây dựng Học viện: Ngày 25/3/2017 tổ chức lễ Đặt đá đầu tiên được xem là mốc quan trọng trong việc mở đầu cho xây dựng Học viện là cơ sở đào tạo Tăng sinh. Dưới sự vận động xã hội hóa, sự tài trợ của Trung ương GHPGVN vận động tập đoàn VINGROUP – Hội Từ thiện Thiện Tâm cúng dường công đức xây dựng đến nay đã hoàn thiện và đưa vào sử dụng Khu Hiệu bộ.
Toàn cảnh Học viện Phật giáo Nam Tông Khmer nhìn từ trên cao
Học viện Phật giáo Nam Tông Khmer là nơi đào tạo kiến thức cho Tăng sinh Khmer ở cấp cử nhân Phật học Pali – Khmer cho sư sãi Phật giáo Nam tông Khmer các tỉnh thành Nam Bộ. Sau 6 năm xây dựng (2017) trên diện tích tích 6,7 ha với tổng thể 19 hạng mục công trình, nhờ sự giúp đỡ của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam và các cấp chính quyền địa phương. Trai đường là một trong các hạng mục công trình xây dựng tổng thể của Học viện được Trung ương Giáo hội hỗ trợ kinh phí xây dựng 10 tỷ đồng đến nay đã hoàn thành viên mãn và đưa vào xử dụng với quy mô công trình: dài 47,1 mét; rộng 19,6 mét; chiều cao 21,55 mét.
HT. Đào Như nhận hoa chúc mừng từ Ban TT HĐCM, Ban TT HĐTS và Ban Tôn giáo Chính phủ.
Sau lễ tặng hoa chào mừng, TT. Thích Minh Nhẫn – Ủy viên Thư ký Hội đồng Trị sự, phó Chánh Văn phòng 02 Trung ương GHPGVN công bố quyết định của Hội đồng Trị sự GHPGVN về việc Tặng bằng Tuyên dương công đức của Trung ương GHPGVN cho 03 tập thể và 17 cá nhân đã có nhiều đóng góp, hỗ trợ cho Học viện Phật giáo Nam tông Khmer.
TT. Thích Minh Nhẫn – Ủy viên Thư ký Hội đồng Trị sự, phó Chánh Văn phòng 02 Trung ương GHPGVN công bố quyết định của Hội đồng Trị sự GHPGVN
Ông Nguyễn Thực Hiện – Thành uỷ viên, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ phát biểu tại buổi lễ
Thay mặt lãnh đạo TP. Cần Thơ, ông Nguyễn Thực Hiện – Phó Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ, nhấn mạnh: Học viện Phật giáo Nam tông Khmer là trường đầu tiên đào tạo bậc cử nhân Phật học hệ phái Nam tông Khmer. Đây là tiền đề quan trọng cho mục tiêu nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, góp phần phục vụ đất nước; đáp ứng nguyện vọng của sư sãi và đồng bào Khmer vùng Nam Bộ. Đồng thời cụ thể hóa chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với đồng bào Khmer và Giáo hội Phật giáo Việt Nam,…
Ban đạo từ đến toàn thể chư Tôn đức Tăng, Ni tham dự chương trình Hòa thượng Thích Trí Quảng nhấn mạnh :
“Tôi rất vui mừng tham dự lễ khánh thành Trai đường Học viện Phật giáo Nam Tông Khmer. Giáo dục là điều quan trọng, đặt lên hàng đầu của đức Phật. Khi thành đạo Ngài nhìn thấy ở Ấn Độ có nhiều mê tín, gây xáo trộn trong xã hội. Vì vậy, khi đến nước Ma Kiệt Đà, gặp vua Tần Bà Xa La, đức Phật gặp và trao đổi với nhà Vua đó là đặt đạo đức lên hàng đầu và xây dựng con người trong xã hội phải sống trung thực và có lòng thương. Điều đó mở ra một chương giáo dục mới cho nước Ma Kiệt Đà trong đó t chư Tăng đóng vai trò quan trọng bởi chư Tăng là người sống kiểu mẫu, phạm hạnh, không có tài sản riêng chỉ một lòng hướng về xây dựng xã hội lành mạnh, an bình. Và từ đó nhiều vị Vua đã quy y và xây dựng xã hội theo tinh thần đạo đức mà đức Phật đã dạy”.
Hoà thượng nhấn mạnh:
“Phật giáo được truyền vào Việt Nam hơn 2000 năm, người Việt chịu ảnh hưởng sâu rộng. Thời kỳ Phật giáo phát triển mạnh và thịnh vượng nhất đó là thời nhà Lý. Vua Lý lấy tình thương để trị nước. Điều đó thể hiện khi trước sân trầu ngài chỉ vào công chúa và nói “lòng Trẫm thương dân như thương con của mình”.
Đất nước Việt Nam thống nhất dưới sự lãnh đạo của Đảng đã phát huy truyền thống xây dựng và Bảo vệ Tổ quốc ngày càng hùng mạnh và Phật giáo cũng được thống nhất. Đảng và Nhà nước cho GHPGVN mở 3 trường đại học: Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội, Học viện Phật giáo Việt Nam tại thành phố Hồ Chí Minh, Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế. Năm 2006, Học viện Phật giáo Nam tông Khmer là Học viện thứ tư của GHPGVN được Chính phủ, Ban Tôn giáo Chính phủ cho phép GHPGVN thành lập.
Tiếp nối sự nghiệp của cố Đại lão Hòa thượng Danh Nhưỡng, Phó Pháp chủ GHPGVN (người sáng lập và đặt nền móng cho Học viện Nam tông Khmer tại vùng đất Ô Môn của TP.Cần Thơ), Hoà thượng tán thán sự tiếp nối xuất sắc của HT. Đào Như và chư vị giáo phẩm Ban điều hành Học viện trong thời gian ngắn đã xây dựng và hoàn thành được cơ bản các hạng mục của Học viện. Hoà thượng Pháp chủ mong rằng, Học viện Phật giáo Nam Tông Khmer không chỉ là nơi đào tạo chư Tăng khu vực miền Tây Nam Bộ mà còn là địa chỉ kết nối với chư Tăng trên thế giới cùng nhau về đây học tiếng Pali. Điều đó sẽ mang lại kết quả tốt đẹp cho Phật giáo Việt Nam nói riêng và Phật giáo trên thế giới nói chung cùng nhau hợp tác nghiên cứu, để xây dựng một nền đạo đức cho nhân loại.
Tại buổi lễ, Đức Pháp chủ Đại lão Hoà thượng Thích Trí Quảng cũng đã cúng 100 triệu đồng tịnh tài góp phần cho Học viện Phật giáo Nam Tông Khmer cho đào tạo Tăng tài. HT Đào Như thay mặt Ban Điều hành Học viện trân trọng đón nhận.
HT. Thạch Sok Xane thay mặt Ban Tổ chức phát biểu cảm tạ
HT. Thạch Sok Xane – Phó Viện trưởng Học viện Phật giáo Nam Tông Khmer thay mặt Ban Tổ chức phát biểu cảm tạ đến chư Tôn giáo phẩm, chư Tôn đức Tăng Ni tham gia buổi lễ. Chư Tăng Học viện Phật giáo Nam Tông Khmer dưới sự an lành bóng mát từ bi của mười phương chư Phật, dưới sự chứng minh tối cao của những bậc kỳ túc Trưởng lão và Đại Tăng với đạo lý đầy minh triết của Phật giáo, nguyện cho chánh pháp hoằng dương, thế giới được hòa bình, quốc gia hưng thịnh, chúng sanh an lạc, hạnh phúc của từng gia đình luôn được kiến tạo và bền vững, ngõ hầu tìm đến con đường giác ngộ, an vui.
Kết thúc buổi lễ các đại biểu tiến và khu vực nhà Trai đường cắt băng khánh thành
Trước đó, vào hồi 7h30 sáng, Đại lễ đặt bát hội cúng dường 3.000 vị Chư Tăng. Chư Tăng học viện đã tái hiện lại truyền thống tăng đoàn “Cổ Phật khất thực” với sự tham dự đặt bát hội cúng dường 3000 vị chư Tăng. Hình ảnh giáo đoàn Nguyên thủy thời đức Phật – vân du khất thực, giáo hóa chúng sinh được tái hiện truyền thống tăng đoàn với những hình ảnh quý báu của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni khi Ngài còn tại thế và được truyền thừa từ ngàn xưa đến ngày nay.
Chương trình với sự hiện diện của hơn 3000 chư Tăng tham dự và sự quy tụ của đông đảo Phật tử đến từ các tỉnh miền Đông Nam Bộ đã thật sự đem lại một hơi thở mới cho Phật giáo trong giai đoạn hiện nay. Đây là một trong chuỗi chương trình kính mừng Đại lễ Phật Đản (Vesak) Phật lịch 2567 của chư Tăng Học viện Phật giáo Nam Tông Khmer.