Biểu tượng chung kiến trúc Phật giáo Việt Nam (logo) được trưng bày tại triển lãm ở Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam
Hai biểu tượng này đang được giới thiệu tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam, trong triển lãm Kiến trúc Phật giáo Việt Nam - thống nhất trong đa dạng và lấy ý kiến tại hội thảo cùng tên, diễn ra trong cả ngày 15-4.
Hội thảo và triển lãm do Ban Văn hóa Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam phối hợp với Viện Nghiên cứu tôn giáo, Viện Bảo tồn di tích, Bảo tàng Lịch sử quốc gia tổ chức.
Việc cần thiết
Nguồn gốc ý tưởng này được Ban Văn hóa Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam giải thích là trong thời kỳ hưng thịnh của Phật giáo Việt Nam (thời Lý, Trần từ thế kỷ 11-14), các biểu tượng Phật giáo cũng được nghiên cứu và phát huy hiệu quả.
Các biểu tượng Phật giáo đó đóng vai trò quan trọng trong kho tàng di sản văn hóa Phật giáo Việt Nam nói riêng và di sản văn hóa Việt Nam nói chung.
Tuy nhiên, gần đây những biểu tượng Phật giáo dần vắng bóng, khiến nhiều ngôi chùa sử dụng các yếu tố nước ngoài. Việc kế thừa văn hóa truyền thống dân tộc bị phai nhạt.
Sự phong phú của các hệ phái trong Phật giáo Việt Nam như Bắc tông, Nam tông Khmer, Nam tông Kinh, Khất sĩ, đã kéo theo sự hiện diện phong phú của hệ thống biểu tượng Phật giáo ở các hệ phái.
Hiện chưa có sự thống nhất về biểu tượng chung để nhận diện kiến trúc Phật giáo Việt Nam. Các chùa sử dụng các biểu tượng chung của Phật giáo thế giới hoặc biểu tượng riêng trong từng hệ phái.
Thượng tọa Thích Thọ Lạc chia sẻ về hai biểu tượng kiến trúc Phật giáo Việt Nam
Nhận thấy Phật giáo là một phần quan trọng của văn hóa Việt Nam, đồng thời Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã thống nhất về tổ chức, tư tưởng, hành động, Ban Văn hóa Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho rằng cùng với việc nghiên cứu, định hướng xây dựng bộ quy chuẩn kiến trúc Phật giáo Việt Nam, thì việc xây dựng biểu tượng chung nhận diện kiến trúc Phật giáo Việt Nam là vấn đề cần thiết và cấp thiết.
Ban giải thích việc này là nhằm tạo nên tính thống nhất (trong đa dạng) trong nhận diện kiến trúc Phật giáo cho các hệ phái, vùng miền trên phạm vi cả nước, tạo sự thống nhất, tôn nghiêm, khẳng định vị trí, vai trò của Phật giáo Việt Nam cũng như góp phần định hướng đặc trưng văn hóa Phật giáo Việt Nam.
Trụ kinh Chuyển pháp luân sẽ là biểu tượng kiến trúc Phật giáo Việt Nam đưa vào tất cả các chùa
Sẽ áp dụng chung cho tất cả các ngôi chùa trong giáo hội
Thượng tọa Thích Thọ Lạc - trưởng Ban Văn hóa Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam - giải thích về ý nghĩa của hai biểu tượng này.
Biểu tượng chung kiến trúc Phật giáo Việt Nam (logo) được kết hợp đặc trưng họa tiết hoa văn trống đồng Đông Sơn (biểu tượng cho văn hóa dân tộc Việt Nam) với biểu tượng tiêu biểu của Phật giáo, logo của Giáo hội Phật giáo Việt Nam (hoa sen, chữ Vạn, bánh xe chuyển pháp luân). Biểu tượng này có thông điệp đạo pháp - dân tộc.
Trụ kinh Chuyển pháp luân kế thừa tinh hoa trụ đá của vua A Dục (272-236 TCN) ghi dấu những bước chân hoằng hóa độ sinh của Đức Phật ở Ấn Độ và trụ kinh Lăng nghiêm thời Tiền Lê (thế kỷ 10) dựng tại chùa Nhất ở cố đô Hoa Lư, Ninh Bình.
Triển lãm kiến trúc Phật giáo Việt Nam - thống nhất trong đa dạng cho thấy bức tranh đa dạng của Phật giáo và kiến trúc Phật giáo Việt Nam
Cột kinh khắc bài kinh Chuyển pháp luân - lời dạy đầu tiên của Đức Phật tại Ấn Độ sau khi Đức Phật thành đạo. Đây là bài kinh đã được thống nhất là bài kinh tụng cho tất cả hệ phái Phật giáo Việt Nam.
Thượng tọa Thích Thọ Lạc cho biết sau hội thảo ngày 15-4 sẽ trình Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam phê chuẩn.
Sau đó, Ban Văn hóa Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam tiếp tục xây dựng bộ quy chuẩn các biểu tượng thống nhất này để áp dụng chung cho tất cả các ngôi chùa trong hệ thống Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Việc áp dụng này mang tính khuyến khích.
Thượng tọa cho biết nhiều hệ phái đều đồng tình với hai biểu tượng này.