Có khi đang vui lại phải buồn, có khi đang rầu rĩ lại gặp cảnh hân hoan,… và mạng sống của chúng ta cũng mong manh tựa cơn gió, bất cứ khi nào cũng có thể ra đi.Chính vì cuộc sống vô thường, mạng sống mong manh như thế cho nên việc tìm hiểu về lẽ vô thường là điều vô cùng quan trọng và cần thiết đối với tất cả chúng ta.
Nhờ ánh sáng chân lý của Phật Pháp, chúng ta hiểu rằng vô thường là lẽ tự nhiên và không phải Đức Phật hay vị Thần thánh nào có thể tạo ra được quy luật vô thường. Tất cả các pháp, tất cả vạn vật trên thế gian đều đang vô thường, biến dịch và đi đến chỗ biến hoại.
Từ trời mây, non nước, trái đất, cỏ cây, muông thú, cho đến con người đều đang chịu luật vô thường, biến dịch trong từng khắc, từng sát na sinh. Trái đất chúng ta đang vô thường từng giây từng phút; động đất, sóng thần có thể bất ngờ xảy ra. Là người học Phật, chúng ta phải dũng cảm nhìn vào sự thật và cần tư duy quán chiếu sâu sắc về lẽ vô thường. Bởi khi chúng ta thật sự tu tập, thường niệm vô thường thì sẽ mang lại rất nhiều lợi ích.
Giác ngộ về lẽ Vô thường chúng ta sẽ được những gì?
1. Tự tại trong cuộc sống
Ví dụ, chúng ta nhìn các đồ vật: xe máy, tivi, ngôi nhà,... thì nghĩ chúng sẽ vẫn mãi không thay đổi, nhưng không ngờ chúng đang âm thầm biến đổi, rồi đến một ngày nào đó, xe máy sẽ hỏng bugi, tivi sẽ cháy màn hình, thanh xà trong nhà sẽ bị gãy,... Thân thể chúng ta cũng vậy, chúng ta cứ nghĩ nó ổn, nhưng không biết rằng, nó đang âm thầm biến đổi một cách vi tế, đến một ngày nào đó cơ thể xuất hiện khối u, chúng ta thấy đau thì mới biết rằng thân thể mình thay đổi. Kể cả tâm chúng ta, nhiều người cứ nghĩ người bạn gái, bạn trai hiện tại sẽ mãi yêu thương mình, nhưng không biết rằng, khi đối phương gặp cảnh duyên mới khiến tâm họ thay đổi, họ sẽ không còn thương yêu mình nữa.
Giác ngộ về lẽ vô thường giúp chúng ta tự tại trước sóng gió của cuộc đời
Chúng ta suy nghĩ mọi thứ là có thật, thường hằng, không thay đổi chính là chấp thường, đạo Phật gọi đây là sự mê chấp. Chính vì nghĩ mọi vật không thay đổi, vĩnh tại, cho nên khi có sự thay đổi, chúng ta sẽ bất ngờ và đau khổ. Nếu chúng ta có tư duy, quán sát để hiểu thấu và nằm lòng lời Đức Phật dạy về vô thường thì khi gặp cảnh duyên thay đổi, chúng ta sẽ được tự tại trước mọi sóng gió và không bị đau khổ.
Bên cạnh đó, khi chúng ta biết mọi thứ sẽ vận động thay đổi, chúng ta có chính kiến về vô thường, biết tư duy, đánh giá, đặt mọi sự vật, hiện tượng trong sự vô thường biến đổi thì chúng ta có thể có nhiều phương án, biện pháp để ứng đối khi sự vật hiện tượng thay đổi. Người nào cứ nghĩ mọi thứ sẽ đứng yên thì người ấy sống có nguyên tắc cứng nhắc, bảo thủ và chấp trước, không linh hoạt để thay đổi, ứng biến, người ấy gọi là người không có trí tuệ. Đây chính là tư duy rất biện chứng.
2. Trân quý giây phút hiện tại - Sống một cuộc đời đầy ý nghĩa
Chúng ta biết rằng mang thân người này rất ngắn ngủi, ai rồi cũng phải từ giã cõi đời. Thứ nữa nếu không tranh thủ thời gian để tu tập thì khi mất thân người muôn kiếp khó được lại. Như việc mình được cho một miếng sôcôla rất quý, mình ăn từng chút một để thưởng thức hương vị. Cuộc đời này cũng thế, mình phải nhấm nháp nó từng ngày và sống thật sâu sắc từng ngày, từng giờ.
Hiểu về vô thường thì chúng ta cần phải trân quý giây phút hiện tại và sống để có ích nhất cho đời
Trong kinh, Đức Phật dạy rằng: “Nhất thốn quang âm, nhất thốn kim”, tức là một tấc thời gian, một tấc vàng. Chúng ta xuất hiện ở đời này là một điều kỳ diệu và rất đáng trân quý. Vậy nên, hiểu được về lẽ vô thường thì mỗi người con Phật nên biết trân quý khoảng thời gian chúng ta còn hiện hữu, phải sống làm sao cho có ý nghĩa và làm được nhiều việc tốt đẹp nhất cho đời.
Để trân quý cuộc sống hãy tu quán vô thường
3. Thành tựu trong tu tập
Vô thường sẽ diệt đi tất cả những gì đã sinh ra trên thế gian này. Nhưng nhờ tư tuy về vô thường như vậy mà chúng ta sẽ kiên định niềm tin vào con đường Phật Pháp và ý thức được trách nhiệm của mình trong việc thực hành thiện nhân quả. Qua đó biết sống, tu tập để chuyển hóa những điều xấu thành điều tốt, điều dở chuyển thành hay, điều chưa hoàn thiện chuyển thành hoàn thiện. Đây chính là một ý nghĩa đầy tích cực của vô thường.
Chăm chỉ tu tập, quán sát về vô thường giúp chúng ta chuyển hóa những tính xấu ác của bản thân
Không những thế theo lời Đức Phật dạy, nếu chăm chỉ quán sát về lẽ vô thường thì chúng ta còn có thể đoạn trừ được tham ái, từ đó dần lìa được sinh tử (tức là ra khỏi con đường luân hồi sinh tử mà đi đến chỗ Niết Bàn an vui, hạnh phúc).
Mong rằng qua lời giảng của Thầy Thích Trúc Thái Minh, quý Phật tử hiểu hơn về lẽ vô thường trong đạo Phật. Từ đó quán sát về sự vô thường của mình, của quyến thuộc, tài sản mình có cũng như mọi sự mọi vật trong thế gian để bằng lòng với hiện tại, không bị đau khổ khi mất tài sản và tự tại trước mọi sóng gió của cuộc đời. Chúc quý Phật tử tinh tấn tu tập và không để thời gian trôi qua một cách vô ích