Cách thức báo hiếu của Phật giáo cũng như thế, do đó mang tính phổ biến, gần gũi với số đông trong các nền văn hóa khác nhau.
Điểm độc nhất vô nhị trong đạo Phật là Đức Phật đã nâng vị thế cha mẹ lên ngang bằng với Phật: “Cha mẹ tại tiền như Phật tại thế; gặp thời không có Phật, khéo thờ cha mẹ tức là thờ Phật vậy”. Thậm chí, hình ảnh Đức Phật sụp lạy đống xương bên đường còn cho thấy một hình ảnh sống động, sâu sắc hơn: Tất cả chúng sanh trải qua vô lượng kiếp luân hồi đều từng là cha mẹ của nhau. Hiếu, do đó, không chỉ đóng khung trong ông bà, cha mẹ mà còn rộng ra khắp cả muôn loài.
Quan niệm về hiếu và phương pháp báo hiếu được xem là xuyên suốt, đồng nhất trong nhiều bộ kinh và các truyền thống Phật giáo. Những lời dạy của Phật liên quan đến tri ân và báo ân cha mẹ xuất hiện rải rác trong rất nhiều bản kinh, khó có thể kể hết. Tuy vậy, có nhiều bản và chương kinh nổi tiếng, được xem là “kinh Hiếu”, hầu hết quen thuộc với người Phật tử Việt Nam, và hẳn nhiên ảnh hưởng sâu sắc đến văn hóa, đời sống và đạo lý của người dân Việt. Đó chính là kinh Vu lan, kinh Báo ân cha mẹ, phẩm Báo ân – kinh Tâm địa quán, Pháp hội Phật thuyết nhập thai tạng – kinh Đại bảo tích, và đặc biệt bản kinh quen thuộc: kinh Địa Tạng.
Trong những bản kinh kể trên, Vu lan và Báo ân cha mẹ được hầu hết các chùa theo truyền thống Bắc truyền tại nước ta trì tụng vào dịp Vu lan – Báo hiếu; bên cạnh đó, một số chùa còn tụng thêm phẩm Báo ân trong kinh Tâm địa quán, bởi nội dung phẩm kinh này rất gần với hai bản kinh trên, được xem là một sự bổ sung cần thiết cho những bài kinh Hiếu.
Riêng kinh Địa Tạng được xem là một bản kinh đặc thù. Kinh này thường được chư Tăng Ni và Phật tử Việt Nam xếp vào loại kinh “siêu độ”, dù nội dung kinh phần nhiều nói về việc hộ trì đất đai, bà mẹ và trẻ sơ sinh nói riêng cũng như con người nói chung… Bản kinh này đặc biệt nêu lên những tấm gương sáng về hiếu tâm, hiếu hạnh đối với cha mẹ rất đáng để người con Phật noi theo, nhất là khi cha mẹ không may qua đời.
Trong nhiều kinh khác, nếu chúng ta thấy xuất hiện những “hiếu nam”, thì kinh Địa Tạng ca ngợi những “hiếu nữ”. Trong quan niệm của người Nhật, Đức Địa Tạng là một vị Bồ-tát bảo hộ trẻ em, thì dường như Việt Nam ta đề cao hạnh nguyện cứu độ người đã mất của Ngài. Nhưng, bằng một cái nhìn chung, chúng ta thấy Bồ-tát Địa Tạng đang thực hành hạnh hiếu rộng khắp, độ hết thảy chúng sanh, nhất là những chúng sanh chịu khổ trong chốn địa ngục. Do đó, khi nhắc đến những bản kinh Hiếu, không thể không nhắc đến kinh Địa Tạng.
Bên cạnh đó, Đại bảo tích là một bộ kinh lớn, tuy ít được trì tụng tại các chùa, song trong bộ kinh này có một chương nói về quá trình nhập thai và thời gian thai nhi phát triển. Phần này tuy nhấn mạnh về nghiệp và sự khổ của tấm thân ngũ uẩn, tuy nhiên cũng là một khía cạnh khác để chúng ta thấy rõ hơn mối tương quan giữa cha mẹ – con cái.
Nói tóm lại, như lời Phật dạy, muốn làm một người Phật tử chân chính, chúng ta không thể không thực hành hạnh tri ân và báo ân. Và rằng: “Phụng dưỡng cha và mẹ chính là vận may tối thượng” (Kinh Hạnh phúc).
Đăng Tâm