Mặc dầu Luận Đại Trí Độ, quyển 86 bảo rằng ngoài Đức Phật, Bồ-tát bát địa trở lên mới có khả năng đảm nhiệm việc thuyết pháp giáo hóa chúng sanh ở mười phương, ta cũng thấy trong thực tế, nhiều thế kỷ sau và mãi đến bây giờ cũng có những vị Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni nổi tiếng trên thế giới về khả năng thuyết pháp. Do đó, trong chừng mức tương đối, vẫn có những vị Tăng, Ni tu tập, học hỏi và được đào luyện tốt để trở thành những giảng sư tốt nếu việc đào tạo các giảng sư được thực hiện theo mẫu hình của Đức Phật trong chừng mức tối đa có thể được.
Đức Phật, vị giảng sư vĩ đại nhất
Với lòng đại từ bi, Đức Phật hoằng pháp giáo hóa chúng sinh giúp chúng sinh giải thoát khỏi khổ đau, tiến đến Niết-bàn tịnh lạc. Suốt 45 năm, Ngài đưa giáo pháp thâm nhập vào xã hội, đào tạo các Thánh đệ tử theo con đường của Ngài tỏa đi khắp nơi để truyền pháp. Ngài tự thân hoặc lãnh đạo chư Tỳ-kheo đến với mọi tầng lớp xã hội, từ kẻ hạ tiện đến các thành phần gia chủ, kẻ xấu, người ngoại đạo, quan lại, vua chúa, Phạm thiên, chư thiên, quỷ thần… không phân biệt giới tính, tuổi tác, đẳng cấp,…
Ngài có mọi thần thông và sử dụng trí tuệ siêu việt để nhận biết phương cách thuyết pháp, đối tượng được nghe pháp, hoàn cảnh giảng pháp, nội dung pháp được giảng…Kinh Tư ích Phạm thiên Sở vấn 2 nói Đức Phật phân biệt năm trường hợp thuyết pháp: 1. Ngôn thuyết (dùng lời nói); 2. Tùy nghi (thuyết pháp theo căn cơ, hoàn cảnh của người nghe); 3. Phương tiện (dùng các phương tiện để khuyến tu như phước đức, quả vị Niết-bàn…); 4. Pháp môn (giảng các pháp thù thắng của đạo Bồ-đề) và 5. Đại bi (với tâm đại bi thương tưởng chúng sanh để đưa chúng sanh đến giải thoát). Trí tuệ siêu việt của Ngài có thể được xem là thần thông. Ở đây, ta chỉ bàn đến hình ảnh, phẩm chất của Ngài về phương diện thuyết giảng, truyền pháp.
Trước hết, do phước đức tu hành và quả vị chứng ngộ cao vời nhất của Ngài, Ngài có dáng vẻ đẹp đẽ, uy nghi, ánh từ bi và trí tuệ tỏa ngời nên Ngài có sức thuyết phục cao, tạo sự cảm ứng, niềm tin cho người nghe Pháp trước khi được Ngài thuyết dạy. Ngay khi Ngài vừa chứng đạo dưới cội bồ-đề, tướng mạo đẹp đẽ uy nghi của Ngài đã thuyết phục, gây niềm tin cho hai vị thương gia là Bhallika, và Trapusha đến đảnh lễ và xin quy y Ngài. Bộ Mahavagga (Đại phẩm), Kinh Chuyển pháp luân Tương Ưng Bộ miêu tả rất rõ lần quay trở lại vườn Nai ở Baranasi để gặp năm vị Tỳ-kheo bạn đồng tu khổ hạnh của Ngài trước kia, những người hành trì những pháp môn mà Ngài từ bỏ để tìm lối tu thích hợp hơn. Cả năm vị thấy bóng Ngài từ xa, bảo với nhau sẽ đón Ngài nhưng với thể cách thờ ơ, lạnh lùng. Thế rồi khi Đức Phật đến gần, cả năm vị nhìn thấy tướng mạo uy nghi của Ngài nên kính trọng, tiếp rước nồng hậu. Chỉ sau thời giảng về Trung đạo, Bát Chánh đạo và Tứ đế của Đức Phật, Tôn giả Kiều Trần Như chứng quả Dự lưu và cả năm vị đều xin quy y, rồi đắc A-la-hán. Và sau đó, chính tướng mạo đầy sức thuyết phục của Đức Phật khiến Ngài cảm hóa dễ dàng năm thanh niên con nhà hào phú là Tôn giả Da-xá (Yasa) và cả các Tôn giả Tỳ-ma-la (Vtimala), Tu-bà-hầu (Tubahu), Phú-lan-ca-na (Purnagit) và Già-bà- bạt-đế (Gavampati) bằng những bài thuyết pháp “thuận thứ” (từ dễ đến khó) khiến chẳng bao lâu sau, các vị này đều đắc A-la-hán.
Thuận thứ là một trong nhiều phương pháp giảng dạy của Đức Phật: Có khi Ngài thuyết giảng kinh bắt đầu một đề tài, có khi thuyết giảng bằng cách vấn đáp; có khi nêu ví dụ để minh họa bài giảng,… và phương pháp đặc sắc thường thấy nhất là nêu ví dụ, ẩn dụ, so sánh. Chẳng hạn, kinh Pháp Hoa có nhiều ẩn dụ mang tính văn học cao như thí dụ về ngôi nhà lửa, về cây thuốc, về người cùng khổ, về thành quách được hóa hiện, về viên ngọc trên đỉnh đầu, về những đứa con của vị lương y,…
Nội dung thuyết giảng của Đức Phật được phát xuất từ chân lý như Tứ đế, Duyên khởi, Nhân quả, Luân hồi,… là những chân lý vốn có, được Ngài phát hiện và những phương cách tu tập do Ngài thực hiện. Tất cả được gọi chung là Tam vô lậu học (Giới, Định, Tuệ). Vì lòng từ bi, thương tưởng với đời, Ngài đã tuyên thuyết điều Ngài biết, Ngài làm. Đấy là sự chân thật. Qua Kinh Phật thuyết Như vậy (Itivuttaka) Ngài dạy: “Điều gì Như Lai nói, tuyên bố, nói rõ lên; tất cả là như vậy, không có khác được nên được gọi Như Lai”. Và: “Này các Tỳ-kheo, Như Lai nói gì thì làm vậy, làm gì thì nói vậy, nên được gọi là Như Lai”. Chân lý do Ngài phát hiện, chứng nhập; chính Ngài là chân lý, chân lý là Ngài. Đức Phật dạy: “Này Vakali, ai thấy Pháp, người ấy thấy Ta; ai thấy Ta, người ấy thấy Pháp. Này Vakkali, đang thấy Pháp là thấy Ta, đang thấy Ta là thấy Pháp. (Kinh Tương Ưng Bộ. Phẩm Trưởng lão – Vakkali).
Về phương diện hoằng pháp, giảng dạy của Đức Phật, chúng ta thấy Ngài là một vị giảng sư tối thắng, hiển nhiên không có ai bì kịp. Tuy vậy, cũng có thể nương vào hoàn cảnh, phẩm chất của Ngài để rút ra bài học cho chư Tăng, Ni trong nhiệm vụ hoằng pháp.
Phẩm chất của vị giảng sư hoằng pháp
Vào năm 528 trước T.L, khi giáo đoàn Tỳ-kheo của Đức Phật đã vững mạnh, gồm 60 vị A-la-hán, Đức Phật dạy: “Này các Tỳ-kheo, hãy đi đi, đi khắp nơi vì lợi lạc và hạnh phúc của số đông, vì lòng từ bi đối với cuộc đời, vì lợi lạc và hạnh phúc của chư thiên và loài người. Chớ đi hai người chung đường với nhau. Này các Tỳ-kheo, hãy thuyết giảng giáo pháp cao thượng ở phần đầu, cao thượng ở phần giữa và cao thượng ở phần cuối, cả về ý nghĩa lẫn văn cú. Hãy rao giảng sự toàn hảo viên mãn, đời sống thanh tịnh của trạng thái cao cả. Có những kẻ mà trí óc chỉ bị lu mờ vì đôi chút bụi bặm, nếu không được nghe pháp thì họ không thể được giải thoát; những kẻ ấy sẽ hiểu pháp” (Mahavagga I, 11- Đại phẩm).
Vâng lời Đức Phật, chư Tỳ-kheo đã đi khắp nơi, đến các làng mạc, vùng sâu vùng xa, các thành thị, các xứ sở; đến với mọi người thuộc mọi thành phần, đẳng cấp để rao giảng Phật pháp. Đấy là vì lòng từ bi với đời, vì sự trường tồn, phát triển của Phật giáo. Thường thì các vị hoằng pháp được Phật dạy dỗ, huấn luyện, hoặc chư vị trưởng lão truyền dạy chư vị trẻ hơn, hoặc chư vị tự nhắc nhở, học hỏi nhau. Ví dụ, Kinh Tương Ưng Bộ, phẩm Nakulapita kể lại việc Tôn giả Xá-lợi-phất vâng lời Đức Phật, chuẩn bị cho các vị giảng sư sắp đi hoằng pháp ở phương xa. Tôn giả vừa giả định các câu hỏi người ta sẽ đặt ra cho các giảng sư rồi tự nêu câu trả lời: “Đạo sư của Tôn giả nói gì, tuyên bố gì? Được hỏi như vậy, này các Hiền giả, các Hiền giả phải trả lời: Này chư vị, bậc Đạo sư của chúng tôi nói đến sự điều phục dục và tham…”. Sau đó Tôn giả đọc tiếp các câu hỏi và câu trả lời tiếp về sắc, thọ, tưởng, hành, thức… (xem Kinh Tương Ưng Bộ, phẩm Nakulapita). Thế rồi số lượng chư Tăng Ni hoằng pháp ngày càng đông đảo, tỏa đi khắp nơi, phát xuất từ vùng Bắc, Đông bắc Ấn Độ, lan tràn dần khắp thế giới.
Chư vị giảng sư cần giữ đúng năm điều về việc thuyết pháp của mình: 1. Thuyết pháp theo thứ lớp, từ thấp đến cao; 2. Thuyết y theo các pháp môn của kinh điển;3. Thuyết vì lòng từ bi, muốn lợi ích cho mọi người; 4. Thuyết không vì lợi ích của mình, không mong được đền đáp; và 5. Không chê người, khen mình.
Kinh Ưu Bà tắc giới 2 còn triển khai việc thuyết pháp gồm 16 điều cần nhớ: 1. Thuyết giảng tùy thời; 2. Thuyết giảng hết lòng; 3.Thuyết giảng theo thứ tự từ dễ đến khó, từ thấp đến cao;4. Thuyết giảng một cách hòa hợp; 5. Thuyết giảng đúng theo nghĩa lý; 6. Hoan hỷ thuyết giảng; 7. Tùy ý thuyết giảng; 8. Không khinh thường thính chúng; 9. Không la mắng thính chúng; 10. Nói đúng như pháp; 11. Nói pháp lợi mình và lợi người; 12. Nói pháp không tán loạn; 13. Nói hợp nghĩa; 14. Nói chân chính; 15. Nói xong thời không kiêu mạn; 16. Nói xong không cần quả báo về sau.
Theo Kinh Đại Pháp cự Đà-la-ni 13 thì vị giảng sư nói pháp phải có tâm nhẫn nhục thương xót, ái ngữ và khiêm hạ; nếu ôm lòng giận ghét hoặc hơn thua thì sẽ mắc đại trọng tội; nếu thuyết với tâm từ bi thì sẽ thành tựu công đức to lớn, khiến Phật pháp trụ thế lâu dài.
Chúng ta căn cứ vào lời dạy của các kinh vừa nêu để minh họa về hình ảnh, phẩm chất của một vị giảng sư hoằng pháp.
Một vị giảng sư hoằng pháp đúng yêu cầu phải là một tu sĩ đã thọ đại giới, đã có thời gian học hành, tu tập, có đạo hạnh, có trình độ Phật học cao, có kiến thức thế học và thời sự, có kỹ năng sư phạm hoằng pháp, kỹ năng nói trước quần chúng và có sức khỏe tốt. Ngoài ra, dáng vẻ bên ngoài như ngoại hình và về thái độ hiền hòa, uy nghi cũng rất cần thiết đối với vị giảng sư.
Vị giảng sư trong khi thuyết pháp cho thính chúng phải là một vị đại diện Tam bảo, là đệ tử Phật, nói lời Phật thay mặt cho Tăng-già. Kinh Pháp Hoa, phẩm Pháp sư có nói: Thuyết pháp là vào nhà Như Lai (tức là có tâm đại bi), mặc áo Như Lai (nhu hòa, nhẫn nhục), ngồi tòa Như Lai (hiểu rõ các pháp đều Không). Vị ấy cũng phải nhận thức rằng thuyết pháp là có lợi cho mình và cho người khác đúng như Kinh Tư ích Phạm thiên Sở vấn 2 nói: “Có hai hạng người được phước đức vô lượng: Người thuyết pháp tinh thuần, chăm chỉ và người nghe pháp tinh thuần, chăm chỉ”. Đây cũng là một yêu cầu đối với vị giảng sư. Vị ấy phải luôn nỗ lực thuyết đúng pháp, dễ hiểu, và hấp dẫn để lôi cuốn người nghe.
Sau đây là một số điểm căn bản trong phẩm chất của một vị giảng sư hoằng pháp:
a) Niềm tin Tam bảo: Tín hay tin tưởng, niềm tin là sự tác động của tinh thần khiến cho tâm cho là đúng, là thật một điều gì, một đối tượng nào đó. Tông Câu-xá xếp tín vào một trong mười đại thiện pháp. Duy thức xếp tín vào các tâm sở thiện. Tín căn, tín lực được xép đầu trong năm căn, năm lực. Luận Thành Duy thức nêu lên ba loại tín: 1. tin vào sự lý chân thật của các pháp; 2. tin vào chân tính của Tam bảo; và 3. tin vào khả năng chứng đắc và sự thành tựu các thiện pháp và từ đó khởi lên hy vọng. Theo luận Đại thừa Khởi tín thì niềm tin Tam bảo là quan trọng nhất.
Với niềm tin vào Tam bảo, vị giảng sư mới nhận rõ ý nghĩa vừa thiêng liêng vừa thiết thực của việc giảng pháp: Đưa đạo Phật vào đời bằng tình thương, bằng lời nói chân thực, lợi ich. Kinh Pháp Hoa, phẩm 10, Thường Bất Khinh kể chuyện vị Bồ-tát này (là tiền thân xa xưa của Đức Phật), hết lòng tin kính Tam bảo, tin rằng mọi người đều sẽ thành Phật. Gặp ai Ngài cũng bảo rằng: “Tôi rất kính ngưỡng Ngài.Vì sao? Vì Ngài đang hành Bồ-tát đạo và sẽ thành Phật”, mặc cho người ta chê cười xua đuổi. Thật ra, đó là lời giảng pháp, lời khuyến tu, lời biểu hiện niềm tin vào Tam bảo.
b) Từ bi, nhẫn nhục và vô úy: Từ bi là một đặc điểm lớn của Phật giáo, là động cơ giảng pháp, hoằng pháp của chư Tăng Ni nhằm vì lợi ích của chúng sanh, đưa chúng sanh vào con đường tiến đến giải thoát khỏi khổ đau.
Nhẫn nhục là là giữ tâm an tịnh trước nghịch cảnh như bị mắng chửi, bị hành hạ hoặc những hoàn cảnh gây khổ đau khác. Nhẫn nhục là một trong sáu (hay mười) ba-la-mật. Kinh Pháp Tập quyển 3 nêu sáu đức nhẫn: 1. Bị mắng chửi mà không sân hận; 2. Bị hành hạ mà vẫn bình tĩnh chịu đựng; 3. Bị phiền não bức bách mà vẫn an tĩnh; 4. An tĩnh trước mọi giận dữ; 5. Không bao giờ tức giận, oán thù; và 6. Không lay động trước sự được mất, khen chê, tâng bốc hạ thấp, vui khổ. Thực hiện rốt ráo như vậy thì gọi là nhẫn Ba-la-mật. Kinh Đại thừa Lý thú Ba-la-mật bảo rằng muốn được nhẫn Ba-la- mật thì phải quán triệt chân lý Tất cả đều là Không.
Nhẫn nhục mang ý nghĩa của sự can đảm, của tinh thần vô úy. Vô úy là không sợ điều gì. Có tự tin, có quyết tâm thực hiện mục đích, lý tưởng thì không sợ điều gì, tâm an ổn, mạnh mẽ. Có niềm tin vững chắc mới có thể nhẫn nhục chịu đựng mọi thử thách cam go.
Câu chuyện Tôn giả Phú-lâu-na (Punna) xin phép Đức Phật đi hoằng pháp tại xứ Du-lãn-na (Sunaparanta, Sronaparanta) có lẽ là một minh họa rõ nét nhất về niềm tin, sự nhẫn nhục và vô úy mà vị giảng sư hoằng pháp cần có:
“- Bạch Thế Tôn, nay con đã được Thế Tôn giáo giới với lời giáo giới vắn tắt, có một quốc độ tên là Sunaparanta (Tây Phương Du-na Quốc), con sẽ sống tại đấy. – Này Punna, người nước Sunaparanta là hung bạo. Này Punna, người nước Sunaparanta là thô ác. Này Punna, nếu người nước Sunaparanta mắng nhiếc Ông, nhục mạ Ông, thời này Punna, tại đấy Ông sẽ như thế nào? – Bạch Thế Tôn, nếu người nước Sunaparanta mắng nhiếc con, nhục mạ con, thời tại đấy, con sẽ nghĩ như sau: “Thật là hiền thiện, người nước Sunaparanta này! Thật là chí thiện, người nước Sunaparanta này! Vì rằng họ không lấy tay đánh đập ta”. Bạch Thế Tôn, tại đấy con sẽ nghĩ như vậy. Bạch Thiện Thệ, tại đấy con sẽ nghĩ như vậy. – Nhưng này Punna, nếu các người nước Sunaparanta lấy tay đánh đập Ông, thời này Punna, tại đấy Ông sẽ nghĩ như thế nào? – Bạch Thế Tôn, nếu các người nước Sunaparanta lấy tay đánh đập con; thời tại đấy, con sẽ nghĩ như sau: “Thật là hiền thiện, người nước Sunaparanta này! Thật là chí thiện, người nước Sunaparanta này! Vì rằng họ không lấy các cục đất ném đánh ta”. Bạch Thế Tôn, tại đấy con sẽ nghĩ như vậy! Bạch Thiện Thệ, tại đấy con sẽ nghĩ như vậy. – Nhưng này Punna, nếu các người nước Sunapa ranta lấy các cục đất ném đánh Ông, thời này Punna, tại đấy Ông sẽ nghĩ thế nào? – Bạch Thế Tôn, nếu các người nước Sunaparanta lấy cục đất ném đánh con; thời tại đấy, con sẽ nghĩ như sau: “Thật là hiền thiện, các người nước Sunaparanta! Thật là chí thiện, các người nước Sunaparanta! Vì rằng họ không lấy gậy đánh đập ta”. Bạch Thế Tôn, tại đấy con sẽ nghĩ như vậy. Bạch Thiện Thệ, tại đấy con sẽ nghĩ như vậy. – Nhưng này Punna, nếu các người nước Sunaparanta lấy gậy đánh đập Ông, thời này Punna, tại đấy Ông nghĩ thế nào? – Bạch Thế Tôn, nếu các người nước Sunaparanta lấy gậy đánh đập con; thời tại đấy, con sẽ nghĩ như sau: “Thật là hiền thiện, các người nước Sunaparanta! Thật là chí thiện, các người nước Sunaparanta! Vì rằng họ không lấy dao đánh đập ta”. Bạch Thế Tôn, tại đấy con sẽ nghĩ như vậy. Bạch Thiện Thệ, tại đấy con sẽ nghĩ như vậy.
- Nhưng này Punna, nếu các người nước Sunapa ranta lấy dao đánh đập Ông, thời này Punna, tại đấy Ông nghĩ thế nào? – Bạch Thế Tôn, nếu các người nước Sunaparanta lấy dao đánh đập con; thời tại đấy, con sẽ nghĩ như sau: “Thật là hiền thiện, các người nước Sunaparanta! Thật là chí thiện, các người nước Sunaparanta! Vì rằng họ không lấy dao sắc bén đoạt hại mạng ta”. Bạch Thế Tôn, tại đấy con sẽ nghĩ như vậy. Bạch Thiện Thệ, tại đấy con sẽ nghĩ như vậy. – Nhưng này Punna, nếu các người nước Sunaparanta lấy dao sắc bén đoạt hại mạng Ông, thời này Punna, tại đấy Ông nghĩ thế nào? – Bạch Thế Tôn, nếu các người nước Sunapa ranta sẽ lấy dao sắc bén đoạt hại mạng con; thời tại đấy con sẽ nghĩ như sau: “Có những đệ tử của Thế Tôn, ưu phiền và nhàm chán thân thể và sinh mạng đi tìm con dao (để tự sát). Nay ta khỏi cần đi tìm đã được con dao ấy”. Bạch Thế Tôn, tại đấy con sẽ nghĩ như vậy. Bạch Thiện Thệ, tại đấy, con sẽ nghĩ như vậy. – Lành thay, lành thay, này Punna! Này Punna, Ông có thể sống trong nước Sunaparanta, khi Ông có được đầy đủ sự nhiếp phục và an tịnh này. Này Punna, Ông nay hãy làm những gì Ông nghĩ là hợp thời.
Rồi Tôn giả Punna, sau khi hoan hỷ tín thọ lời Thế Tôn dạy, từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ Thế Tôn, thân bên hữu hướng về Ngài, dọn dẹp sàng tọa, lấy y bát, rồi ra đi, đi đến nước Sunaparanta. Tiếp tục du hành, Tôn giả Punna đi đến nước Sunaparanta. Tại đây, Tôn giả Punna sống trong nước Sunaparanta. Rồi Tôn giả Punna nội trong mùa an cư mùa mưa ấy, nhiếp được khoảng năm trăm nam cư sĩ; cũng trong mùa an cư mùa mưa ấy, nhiếp độ khoảng năm trăm nữ cư sĩ; cũng trong mùa an cư mùa mưa ấy, chứng được Tam minh. Sau một thời gian, Tôn giả Punna mệnh chung”.
c) Kiến thức sư phạm, kỹ năng diễn giảng: Vị giảng sư là người giảng dạy Phật học, phải biết học tập, đào luyện để có kiến thức về giáo dục, về sư phạm. Đó là những lý thuyết giáo dục, sư phạm nói chung và được áp dụng vào ngành hoằng pháp. Ví dụ, các lý thuyết về tâm lý giáo dục, về sự học, sự truyến đạt, thọ nhận, sự thích nghi với đời sống, các phương pháp giảng dạy, kỹ năng diễn giảng, việc chuẩn bị bài, đánh giá kết quả v.v.
Kinh Tăng Chi bộ, phẩm Năm pháp có nêu năm nội dung thuyết giảng theo năm trường hợp người nghe: “Nói tín với người không có lòng tin, nói giới với người ác giới, nói đa văn với người không nghe nhiều, nói bố thí với người xan tham, nói trí với người ác tuệ”. Đây cũng là sự minh họa cho phương pháp giảng dạy Tùy duyên hóa vật được nói đến trong kinh Tâm địa Quán.
Trung Bộ kinh, số 139, kinh Vô tránh Phân biệt đề cập đến một số nội dung và phương cách diễn giảng như sau: 1. Không tán thán, không chỉ trích, chỉ thuyết pháp; 2. Không nên nói lời bí mật, hư huyễn; 3. Không nên nói lời mất lòng;4. Nên nói từ từ, không vội vàng; và 5. Không lệ thuộc vào phương ngữ, không đi quá xa ngôn ngữ thường dùng.
Về tán thán, và chỉ trích, Đức Phật dạy: “Nên biết về tán thán và chỉ trích; Sau khi biết về tán thán và chỉ trích, hãy chớ tán thán hay chỉ trích, chỉ nên thuyết pháp”. Ngài dẫn giải cụ thể từng trường hợp. Ví dụ, Ngài dạy rằng khi giảng về đam mê, không nên phê phán những ai đam mê và không nên tán thán những ai không đam mê, mà chỉ nên nói về sự đam mê và sự không đam mê: “Đam mê là một pháp có đau khổ, có phiền lao, có ưu não, có nhiệt não, thuộc tà đạo. Không đam mê thì không đau khổ, không phiền lao, không ưu não, không nhiệt não, thuộc Chánh đạo”. Không nói lời bí mật, hư huyễn là không nói những điều không thực tế, hư ngụy, xa rời chân lý. Không nói mất lòng là không gây buồn giận cho người nghe. Nên nói từ từ, không vội vàng là để cho người nghe dễ theo dõi, phần mình thì không bị tổn hại thân tâm. Đức Phật dạy: “Nói nhanh có sáu điều hại: thân mệt mỏi, tâm tổn hại, cổ họng bị đau, lời nói không rõ ràng, người nghe không hiểu”. Không lệ thuộc địa phương ngữ nghĩa là nương theo lối nói của người địa phương để hiểu ý nghĩa của những từ ngữ được người ta dùng. Không đi quá xa ngôn ngữ thường dùng nghĩa là nên dùng các từ ngữ thông thường, theo cách nói thông thường, không dùng quá nhiều thuật ngữ hay từ ngữ mới, ít thông dụng.
d) Có trình độ văn hóa, kiến thức thế tục: Trong thời đại mới, với sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật, các sinh hoạt trong đời sống trở nên phức tạp, phong phú đa dạng. Rất nhiều vấn đề, rất nhiều thông tin hằng ngày: chiến tranh, bất ổn chính trị, ô nhiễm, cạn kiệt môi trường, suy thoái đạo đức… Vị giảng sư hoằng pháp phải nắm được các thông tin thời sự để lựa chọn đề tài thuyết giảng, để minh họa cho nội dung bài giảng.
Mặt khác, vị giảng sư phải biết dùng một số phương tiện hiện đại phục vụ cho việc giảng pháp của mình: sách vở, báo chí, truyền thanh, truyền hình, băng đĩa, phim ảnh v.v.
Đức Phật là vị Pháp vương tối thượng, giáo lý của Ngài nhằm giải thoát cho chúng sinh khỏi khổ đau. Sau khi thể chứng đại đạo, Ngài đã không nhập Niết-bàn mà dành 45 năm truyền bá thông điệp cứu khổ, thành lập giáo đoàn, giảng dạy đệ tử. Phật giáo ngày nay đã trở thành một tôn giáo lớn, tín đồ mỗi lúc một đông, ảnh hưởng lớn đến mọi lĩnh vực hoạt động của mọi người trên thế giới. Sự nghiệp hoằng pháp quyết định cho sự tồn vong, phát triển của đạo Phật, Tăng Ni Phật tử, đặc biệt là những vị giảng sư hoằng pháp là những nhân tố quan trọng trong việc hoằng dương Chánh pháp.
Thích Giác Toàn