Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Hoằng pháp Trung ương GHPGVN.
Đại lễ Phật đản trở về với những người con Phật trên khắp năm châu cũng như quê hương Việt Nam, đã tiếp tục mở ra cơ hội để chúng ta chiêm nghiệm sự xuất hiện hy hữu của Đức Thế tôn – bậc Thầy của Trời Người – đã bật đèn soi chiếu bóng tối vô minh, dựng lại những gì đã đổ vỡ, mang lại cho nhân loại ánh sáng của niềm tin, hy vọng và giải thoát; đồng thời, hướng đến nếp sống hạnh phúc và hòa bình, giữ gìn và phát triển các giá trị văn hóa, đạo đức, góp phần xây dựng xã hội bình an, thế giới vĩnh thịnh.
Từ lúc bánh xe Chính pháp được chuyển vận đầu tiên tại vườn Nai cho đến dấu tích vô thường giữa rừng Câu thi na tĩnh mịch, Đức Thế tôn đã chỉ cho chúng sinh thấy được căn nguyên của đau khổ và con đường vượt thoát. Ngài luôn an trú trong Đại định, bằng tâm từ bi, quán chiếu mọi căn nguyên của ba độc; từ đó, tham, sân, si đều được chuyển hoá tận gốc rễ. “Cao thượng thay, cái gọi là tham, sân, si ấy, gốc rễ của chiến tranh và bất an của thế gian, Như Lai đã đoạn trừ, đã chặt tận gốc rễ, khiến không thể sinh khởi trong tương lai”.
Thế giới ngày nay, sự phát triển mất cân bằng giữa nếp sống tinh thần và vật chất; trí tuệ nhân tạo, trình độ tri thức, khoa học công nghệ, cùng với đời sống vật chất phát triển mạnh mẽ; thì các giá trị văn hóa, đạo đức xã hội lại xuống cấp; niềm tin vào cuộc sống và hạnh phúc đích thực của kiếp người đang bị chao nghiêng. Ngay trong thời điểm này, con người đang phải đối mặt với vô vàn bất an, với sự hoành hành của dịch bệnh, thiên tai, chiến tranh, xung đột, đói nghèo. Cho nên, hơn bao giờ hết, giáo pháp Đức Thế Tôn, với phẩm chất Đại Hùng, Đại Lực và Đại Từ Bi được các sứ giả Như Lai vận dụng, chuyển tải vào đời, trong dòng chảy hội nhập quốc tế để gióng lên tiếng chuông Chính Pháp, thức tỉnh lương tri nhân loại, định hướng phát triển bền vững, thực hiện các Mục tiêu phát triển của Liên Hiệp Quốc, triển khai các Nghị quyết vì hoà bình và phát triển của các Tổ chức Phật giáo quốc tế, nhằm đưa nhân loại ra khỏi mọi tác động bởi tham lam, sân hận và si mê để xây dựng nếp sống hoà bình an lạc.
Thứ nhất là tinh thần Đại hùng. Đó là sức mạnh vĩ đại, sức mạnh phi thường của tinh thần vô ngã và sự chiến thắng tự thân. Thế gian kim cổ chỉ khuất phục người bằng uy quyền và vũ lực, chứ có mấy ai khuất phục nổi cái dục tình trong lòng của mình. Thái tử Tất Đạt Đa đã từ bỏ mái tóc xanh, gửi lại vương bào, chẳng ham châu báu, từ chối quyền uy, sống đời thoát tục với tấm Ca sa và chiếc bình bát; trải qua sáu năm khổ hạnh, không tiếc thân mạng, chỉ mong chứng được Đạo vàng. Sự từ bỏ đó cũng nói lên nguyện lực vô biên mà Thế Tôn đã tự chiến thắng, tự điều phục chính mình giúp tinh sạch nội tâm. Tất cả nội chướng ngoại ma đều tan tành như mây khói trước sức mạnh đại định của Ngài. Trong thì Ngài dứt sạch hết ma nội tâm, dục vọng và tham sân si; ngoài thì Ngài chiến thắng tất cả ma vương, ma nữ, ác thú cũng như những trận cuồng phong. Quả thật “chiến thắng vạn quân không bằng tự chiến thắng mình. Chiến thắng mình mới là chiến công oanh liệt nhất.” Chiến thắng tham vọng dục tình nơi chính mình để đạt cho được sự thanh tịnh và an nhiên tự tại trước ngoại cảnh ấy mới chính là đại hùng.
Thứ hai là tinh thần Đại lực. Đó là sức mạnh nội tâm, có nghị lực chịu đựng, có đức nhẫn nhục khắc phục mọi hoàn cảnh, cảm hóa chẳng những cho chính mình mà còn cảm hóa được tha nhân. Vào thời Đức Phật còn tại thế, Đề Bà Đạt Đa và chàng Vô Não đã bao phen tìm cách hại Ngài, thế mà Phật vẫn thản nhiên, chẳng buồn phiền mà còn phát tâm thương xót cảm hóa họ. Đức Thế Tôn đã gặp không biết bao nhiêu là chướng duyên và nghịch cảnh, thế mà tất cả đều tiêu tan bất thành trước trí tuệ và định lực của Ngài. Chính Ngài đã nói rằng nhẫn nhục khiêm tốn không có nghĩa là khiếp nhược, mà trái lại chúng là đạo quân trung thành đưa ta đến thanh tịnh và rốt ráo. “Kẻ ác có tâm hại người hiền chẳng khác gì rải cát trước mặt trong gió ngược, thế nào rồi cát cũng sẽ bay tạt vào mặt mình.” Hoặc, “kẻ ác hại người hiền cũng giống như mình cầm đuốc mà đi gió ngược vậy, lửa sẽ tự cháy tay mình trước.” Như thế cho thấy ai có nghị lực sẽ thản nhiên trước những chửi mắng thiếu đạo đức của người khác, sẽ bình tâm trước những thị phi đố kỵ.
Thứ ba là tinh thần Đại từ bi. Con người luôn mong sống trong hòa bình nhưng tâm tính thì bất hòa; mong đạt được nhiều thành công nhưng cuộc sống lại làm nhiều việc xấu; mong luôn được yêu thương nhưng lòng lại chất chứa hận thù, ôm lòng hiểm độc. Do vậy, Đại từ bi là tình thương bao la rộng lớn với tâm bình đẳng vô phân biệt đến với mọi người, mọi loài, là lòng vị tha vô bờ bến. Lòng từ bi của Đức Phật như ánh trăng rằm rải khắp vạn vật, bình đẳng, không phân biệt, không điều kiện. Ngài lúc nào cũng thương chúng sinh hơn tự thương mình khi chính Ngài đã nói: “Nếu ta không vào địa ngục thay thế và cứu chúng sinh thì ai thay ta vào.” Còn ngài Địa Tạng Vương Bồ tát đã phát nguyện: “Địa ngục chưa trống không, ta thề không thành Phật.” Hoặc lời phát nguyện của Tôn Giả A Nan: “Trong đời ngũ trược, tôi nguyền vào trước. Nếu còn chúng sinh nào chưa thành Phật, tôi không nhận lấy quả vị Niết bàn.”
Tóm lại với Đại hùng, Đại lực và Đại từ bi, Đức Phật chẳng những tự mình giải thoát mà Ngài còn để lại cho nhân loại và chúng sinh một triết lý và tôn giáo vĩ đại. Bất cứ ai, nếu có đủ ba phẩm chất ấy thì nội tâm sẽ thanh tịnh và tự tại trước chướng duyên, nghịch cảnh.
Đại lễ Phật đản PL. 2567 năm nay cũng là dịp tưởng niệm 60 năm Bồ tát Thích Quảng Đức vị pháp thiêu thân. Ngọn lửa từ bi của Bồ tát đã bùng lên trong bối cảnh hòa bình chưa được thiết lập, núi sông còn bị phân chia. Ánh đuốc vị Pháp của Ngài đã khơi nguồn cho tinh thần hộ trì Chính pháp, yêu chuộng công lý, hòa bình và lý tưởng độc lập dân tộc, làm tiền đề cho công cuộc vệ quốc mùa xuân 1975; để rồi Nhân dân Việt Nam, tổ quốc Việt Nam được vỡ òa trong niềm vui toàn thắng, Bắc Nam nối liền một dải, quê hương đoàn tụ non sông. Phật giáo Việt Nam cũng từ đó mà được ngồi lại với nhau trong tinh thần đoàn kết, hòa hợp, thanh tịnh, xây dựng thành công ngôi nhà chung Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Bài học về Bồ tát Quảng Đức vẫn mãi là nét son trong trang sử sáng ngời của Đạo pháp và Dân tộc. Tinh thần vì Đạo quên mình, yêu chuộng hòa bình, công lý và tự tôn dân tộc vẫn còn giữ nguyên giá trị trong ánh sáng Quý mão năm nào để người con Phật Việt Nam chúng ta tự hào noi theo hạnh đức của Ngài với ba phẩm chất Đại Hùng, Đại Lực, Đại Từ Bi mà Ngài đã từng vận dụng.
Với niềm tin bất hoại đối với Tam bảo, hộ trì Chính pháp mãi mãi trường tồn nơi thế gian, Bồ tát Thích Quảng Đức đã thể hiện sức mạnh của sự từ bỏ bằng hạnh nguyện Ba la mật - Từ bỏ thân năm uẩn để thể chứng năm phần pháp thân. Thế gian xung đột dẫn đến khổ đau vì chấp chặt vào bản ngã, chấp chặt vào tư tưởng, vào sự thấy biết sai lầm về một thế giới trường tồn; còn Bồ tát nhận thức được vạn pháp duyên sinh, sống với tinh thần vô ngã cho Chính pháp cửu trụ, cho công bằng được tuyên dương nên Ngài đã lấy đại thể đặt lên trên cá nhân, nguyện hiến thân để xương minh Đạo pháp. Ngài đã lấy thân mình làm ngọn đuốc soi sáng nẻo vô minh. Nhờ vậy mà Bồ tát có được tâm an nhiên trước lẽ sinh tử, thân tĩnh tọa ngồi trong lửa dữ. Cho đến khi bốn đại chỉ còn lại nắm tro tàn nhưng mầu nhiệm thay trái tim vẫn còn nguyên vẹn khiến thế giới vô cùng ngạc nhiên trước chí nguyện vĩ đại của Ngài. Ai có thể làm được điều này nếu đạo lực chưa đủ lớn mạnh. Cho nên, Ngài dũng mãnh phát tâm: “Đệ tử hôm nay nguyện đốt mình, làm đèn soi sáng nẻo vô minh”. Nhờ chí nguyện như vậy nên ngọn lửa kia mới rực sáng năm châu, trái tim kia mới trở thành bất diệt.
Mùa Phật đản năm nay, Phật lịch 2567 – 2023, cũng là năm đầu tiên của nhiệm kỳ IX Giáo hội Phật giáo Việt Nam, các Ban, Viện trực thuộc Hội đồng Trị sự đã xúc tiến việc cơ cấu nhân sự, kiện toàn quy chế hoạt động và định hướng cho chương trình hành động từng lĩnh vực chuyên môn. Phật giáo Việt Nam sẽ tiếp tục hạnh nguyện nhập thế, lấy việc phục vụ chúng sinh, ích đạo lợi đời làm phương hướng tu hành; thực hiện sứ mệnh tiếp nối đạo mạch Phật pháp, truyền bá ánh sáng chân lý, củng cố đạo lực ngôi Tăng bảo, góp phần xây dựng Giáo hội trang nghiêm vững mạnh, làm nơi nương tựa cho hải chúng mười phương; khẳng định giá trị ưu việt của tôn giáo hòa bình, xứng đáng với sự tin yêu, gửi gắm của Tăng Ni, Phật tử nói riêng và Nhân dân nói chung. Giáo hội Phật giáo Việt Nam tiếp tục là cầu nối quan trọng giữa Phật tử kiều bào, các Hội Phật tử Việt Nam ở nước ngoài hướng về chung tay cùng ngôi nhà chung Phật giáo Việt Nam, góp phần xây dựng, bảo vệ đất nước ngày càng phồn vinh.
Do đó, trong giây phút này, chúng ta hướng tâm về Thánh tượng tôn nghiêm của Đức Từ phụ, nguyện dâng lên Ngài phẩm vật cúng dàng thiết thực và cao quý nhất chính là chí nguyện phát tâm phụng sự, dấn thân mang giáo Pháp vi diệu của Thế tôn vào đời để Phật hoá thế gian. Dù xuất gia hay tại gia, người đệ tử Phật cần ý thức trách nhiệm về tinh thần xây dựng, củng cố Tăng đoàn - Giáo hội bằng chất liệu hòa hợp và thanh tịnh; hãy lên đường với ba phẩm chất cao quý, Đại Hùng – Đại Lực – Đại Từ Bi, để chuyển tải thông điệp hoà bình và an lạc mà Bậc Thầy của ba cõi, Đạo sư của muôn loài đã trao truyền nhằm kiến tạo thế giới an lạc. Mỗi người một niệm lành, tâm tâm đồng cảm sẽ kiến tạo Phật địa ngay nơi cuộc sống này.